Juliana Vrady Và Andrey Vrady Khiến Khán Giả VFCD Trầm Trồ Với Các Dự Án Nghệ Thuật – Khoa Học

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với cặp đôi nghệ sĩ đa phương tiện Juliana Vrady và Andrey Vrady vào tối Chủ nhật 20.11, khán giả đã có dịp chiêm ngưỡng các dự án nghệ thuật liên ngành sử dụng công nghệ trình chiếu mapping tương tác, AI “đọc” và “vẽ” cảm xúc “chất như nước cất” mà cặp bài trùng đã thực hiện, đồng thời hiểu hơn về nguồn cảm hứng và cơ duyên giúp họ kết nối với chuyên gia từ các lĩnh vực khác.

Xuất phát điểm là nhà thiết kế đồ họa, Andrey Vrady đã dần thử nghiệm với nhiều phương tiện, hình thức biểu hiện và chất liệu khác nhau như nhiếp ảnh, in kỹ thuật số, xé dán kĩ thuật số, công nghệ trình chiếu ánh sáng…

Cơ duyên kết nối của cặp nghệ sĩ với các lĩnh vực khác đến rất tự nhiên: họ kết nối với ban nhạc, nghệ sĩ âm thanh để tạo nên buổi trình diễn nghe-nhìn, kết nối với các nghệ sĩ biểu diễn để xây dựng màn trình diễn biểu hiện, kết nối với các không gian sáng tạo và công nghệ để tạo ra trải nghiệm nghệ thuật immersive (đắm chìm).

Khi nói về vai trò của âm thanh trong thực hành nghệ thuật thị giác, Juliana Vrady cho biết: “Trình chiếu hình ảnh nếu thiếu đi âm thanh sẽ không còn là nghệ thuật, bởi nó không thể tạo nên trải nghiệm đắm chìm cho khán giả”.

Hai nghệ sĩ nhận rõ về sứ mệnh kết hợp liên ngành của mình khi làm nghệ thuật: “Các dự án liên ngành như nghệ thuật và khoa học, nghệ thuật và công nghệ hiện rất phổ biến tại châu Âu và các khu vực khác. Tại sao sự kết hợp này lại quan trọng ư? Đó là bởi khoa học và kỹ thuật số là trung tâm của đời sống hiện nay, nhưng có rất nhiều kỹ thuật và thực hành khoa học, công nghệ không thể tiếp cận công chúng. Nghệ sĩ chúng tôi sẽ là người kết nối và đưa những hiểu biết đó đến với mọi người”.

Juliana và Andrey quả thực đã truyền một nguồn cảm hứng to lớn về cả khía cạnh nghệ thuật lẫn khía cạnh khoa học công nghệ của các dự án trong lòng người theo dõi buổi trò chuyện. Đối với các bạn trẻ và người ngoài ngành, yếu tố “khoa học” trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn với khán giả khi được nghe cặp đôi trình bày về dự án mô phỏng DNA hay triển lãm tương tác trí tuệ nhân tạo. Với việc biến cảm biến của AI về cảm xúc con người từ ngôn ngữ khoa học, lập trình trở thành ngôn ngữ phổ thông với màu sắc dễ nhận biết và hình ảnh đẹp mắt, cặp đôi đã khiến khán giả thích thú và mở rộng hiểu biết cũng như cơ hội trải nghiệm công nghệ.

Buổi trò chuyện là buổi gặp mặt, bước khởi đầu hoàn hảo để khán giả VFCD hiểu thêm về hai nghệ sĩ thú vị trước khi bước vào 04 phiên workshop chuyên sâu với họ về hiện thực hóa các dự án nghệ thuật – khoa học. Sẽ còn rất nhiều điều đáng mong chờ trong những phiên tới!

VFCD rất mong nhận được chia sẻ và góp ý của bạn về sự kiện, hãy để lại feedback tại đây nhé: https://bit.ly/3tIP7a3

28.11.2022

NGƯỜI VIẾT 
Nguyệt Cầm