Thời Trang Tuần Hoàn Và Bền Vững Cần Sự Hợp Tác Từ Nhiều Chủ Thể

Sáng ngày 24.11, buổi đối thoại Lộ trình hướng đến tính tuần hoàn & bền vững đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 04 diễn giả có chuyên môn trong ngành thời trang, may mặc cùng các khán giả quan tâm. Cuộc trao đổi đặt ra nhiều vấn đề về thời trang bền vững tại Việt Nam qua nghiên cứu thuộc đại học RMIT Việt Nam và kinh nghiệm của các diễn giả, đồng thời đề ra phương hướng giải quyết phù hợp.

Theo nghiên cứu thực hiện bởi RMIT, năm phát hiện nổi bật về thời trang bền vững tại Việt Nam như sau: (1) người tiêu dùng Việt Nam chưa có nhận thức sâu về vấn đề (dù số lượng người trẻ quan tâm có gia tăng), (2) hầu hết người trả lời phỏng vấn mong muốn quan tâm đến môi trường bền vững, (3) các thương hiệu địa phương gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp bền vững, (4) tồn tại thách thức do thiếu cơ sở hạ tầng và công nghệ quản lý chất thải, (5) thời trang tuần hoàn trong cộng đồng đang nổi lên với mô hình bán lại và tái sử dụng.

Diễn giả Thư Vũ, người sáng lập Passii, cho biết tuy người tiêu dùng muốn làm điều tốt cho môi trường và cộng đồng, họ vẫn cần cân nhắc yếu tố thu nhập, bối cảnh, các sự lựa chọn trên thị trường khi mua sắm. Trước ý tưởng thời trang bền vững, có thể người hiểu vấn đề lại không thể chi trả cho sản phẩm, những người có thể chi trả cho sản phẩm lại không quan tâm tới vấn đề, vì vậy cần nối lại lỗ hổng này trên thị trường. Tái sử dụng sản phẩm thời trang có thể là giải pháp hữu hiệu vì mức giá hợp lý, lại đưa dòng chảy tái sử dụng vào thị trường và Passii đã hoạt động trên ý tưởng đó. Không chỉ là thương hiệu ký gửi hàng thời trang, Passii còn đóng vai trò kênh truyền thông về thời trang bền vững tới người tiêu dùng.

Diễn giả Catriona từ SHOEfabrik – nhà cung cấp cho ngành giày dép, chia sẻ về nhiệm vụ của các chủ thể thiết lập nên thời trang tuần hoàn và bền vững: thương hiệu đóng vai trò lớn trong việc định hình sản phẩm, đưa sản phẩm bền vững tới người tiêu dùng; nhà sản xuất cần hoàn thiện sản phẩm, hướng tới sự xoay vòng nguyên vật liệu; chính phủ cần hỗ trợ bằng việc ban hành chính sách. Cần nhiều sự nhận thức và trao đổi, đối thoại để đạt tới sự thay đổi; thực tế là sự thay đổi đang diễn ra, tuy nhiên cần một thời gian nữa để có thể nhận thấy rõ.

Diễn giả Sơn Tăng, người sáng lập Drobebox – nền tảng thời trang tuần toàn thông qua cho thuê sản phẩm, đặt ra vấn đề ngành thời trang chưa tận dụng công nghệ để phát triển. Công nghệ có thể là kênh bán hàng, hỗ trợ quá trình đặt làm sản phẩm, tối ưu hóa khâu tìm nguyên liệu và sản xuất, dự đoán xu hướng và thói quen mua hàng; từ đó tránh sản xuất tràn lan, tiêu tốn vật liệu lại phục vụ người dùng tốt hơn. Drobebox là nền tảng dựa trên công nghệ để phụ nữ có thể “mặc nhiều nhưng chi trả ít” bằng cách đăng kí gói thuê sản phẩm trực tuyến, sản phẩm sẽ được vận chuyển tới tận nhà. Khi được thử nhiều sản phẩm, họ sẽ biết mình hợp với sản phẩm nào để mua lại, từ đó hạn chế mua sắm quá nhiều.

Diễn giả Prateek Agarwal, chuyên gia nghiên cứu về chất liệu và chuỗi cung ứng, người đã tư vấn cho nhiều thương hiệu để giúp họ trở nên bền vững, đưa ra lộ trình thực hiện mục tiêu bền vững trong sản xuất thời trang tại Việt Nam. Theo ông, sự bền vững và tuần hoàn đến từ 04 khía cạnh: sản phẩm, thiết kế, quy trình và nguyên vật liệu. Có 05 thách thức chính với thời trang bền vững: vấn đề tài chính, vấn đề cân bằng nguồn cung, vấn đề tiêu dùng có trách nhiệm, lưu ý tới dữ liệu nghiên cứu và hợp tác với bên thứ ba và vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Để khắc phục các vấn đề này, cần sự nỗ lực hợp tác giữa tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, giới chức trách và cả người tiêu dùng.

Tại phần thảo luận mở, nhiều câu hỏi thú vị đã được đặt ra với các diễn giả từ vấn đề làm thế nào để các thương hiệu tương tác với người dùng và thực hiện sứ mệnh phát triển bền vững, hay các mô hình tái sử dụng, cho thuê trong ngành thời trang được đón nhận tại Việt Nam như thế nào, đóng góp cho cộng đồng ra sao? Với kiến thức và kinh nghiệm trong ngành, các diễn giả đã đưa ra diễn giải thỏa đáng và thực tế.

Để hướng tới lộ trình tuần hoàn và bền vững, những buổi đối thoại như thế này là hoàn toàn cần thiết khi mở ra cơ hội cho các đại diện từ nhiều chủ thể liên kết trong ngành, các tổ chức có liên quan và người tiêu dùng cơ hội lắng nghe và đưa ra ý kiến, tạo nền tảng để hợp tác tốt hơn, cùng giải quyết vấn đề chung.

02.12.2022

NGƯỜI VIẾT 
Nguyệt Cầm