Officine Gặp và Hanoi Underground Movement – Ghi chép ký ức đô thị bằng di sản âm thanh

Theo bạn, điều gì làm nên ký ức về một không gian, một đô thị?

Khung cảnh, con người, thời tiết… và còn một yếu tố vô cùng quan trọng khác: đó chính là âm thanh. Môi trường âm thanh góp phần quan trọng vào nhận thức của con người về một địa điểm.

Âm thanh là một loại di sản quan trọng mà thiếu đi nó, ký ức về một thành phố sẽ không thể sống động như vốn có. Tuy nhiên, lý tưởng về một thành phố thông minh và bền vững thường đi kèm với việc giảm thiểu tiếng ồn đến mức tối thiểu, dẫn tới cảnh quan âm thanh và di sản âm thanh nguyên gốc không được gìn giữ.

Trước thách thức di sản âm thanh có nguy cơ biến mất, cố vấn nghệ thuật Yuri Frassi và kiến trúc sư, giám tuyển nghệ thuật người Ý Afra Rebuscini, đồng sáng lập Officine Gặp, đã nảy ra ý tưởng: liệu họ có thể thiết kế cảnh quan âm thanh của một đô thị như cách người ta đang thiết kế cảnh quan kiến trúc vật lý? Đồng hành với họ là Marco Yanes, nhà sáng lập Hanoi Underground Movement (HUM), nhà sản xuất âm thanh và DJ người Ý và Đặng Liên, DJ người Việt tại HUM với mong muốn phát triển nền âm nhạc bản địa.

Liệu ta có thể thiết kế cảnh quan âm thanh của một đô thị như cách người ta đang thiết kế cảnh quan kiến trúc vật lý?

Dự án của Officine Gặp và HUM được thực hiện tại TP. HCM và Hà Nội, nơi âm thanh thường được coi là “ô nhiễm tiếng ồn”. Với họ, hai thành phố này có di sản âm thanh rất phong phú: tiếng xèo xèo từ quán ăn đường phố, tiếng trẻ em hò hét, tiếng còi xe ga pim pim, tiếng lách cách của kim loại… Những âm thanh này kể cho ta câu chuyện của riêng nó bằng cách sống động hóa từng khoảnh khắc.

Sản phẩm đầu ra của dự án tại VFCD 2022 sẽ gồm triển lãm âm thanh và xuất bản phẩm zine tạo ra trải nghiệm tương tác đa giác quan để kể câu chuyện thành phố. Đội ngũ thực hiện sẽ sử dụng kho lưu trữ âm thanh-video, dữ liệu website về các địa điểm khác nhau trong thành phố. HUM sẽ đảm nhiệm phần âm thanh tại đô thị, thổi hồn chúng thành những âm thanh mới lạ. Officine Gặp sẽ mở ra cuộc đối thoại về vai trò của âm thanh đối với mức độ hạnh phúc, sáng tạo, năng suất và tương tác xã hội; đồng thời thức đẩy sự trân trọng nét độc đáo nơi thành phố ta đang sống.

Yuri Frassi, Afra Rebuscini, Marco Yanes và Đặng Liên

Đề bài VFCD 2022 “Thay đổi: Thách thức Sáng tạo” hướng đến phát triển bền vững đã mở ra khả năng phát triển vô hạn cho dự án của Officine Gặp và HUM. Đây sẽ là điểm khởi đầu của một nghiên cứu dài hạn về âm thanh, ký ức và địa điểm; khám phá các phương pháp tiếp cận đa ngành đối với sự phát triển bền vững của các thành phố và việc bảo tồn, nâng cao bản sắc văn hóa của nó. Bất kì sự thay đổi nào hướng tới tương lai bền vững hơn đều phải bắt đầu từ sự thừa nhận quá khứ.

Bất kì sự thay đổi nào hướng tới tương lai bền vững hơn đều phải bắt đầu từ sự thừa nhận quá khứ.

Đề bài VFCD 2022 “Thay đổi: Thách thức Sáng tạo” hướng đến phát triển bền vững đã mở ra khả năng phát triển vô hạn cho dự án của Officine Gặp và HUM. Đây sẽ là điểm khởi đầu của một nghiên cứu dài hạn về âm thanh, ký ức và địa điểm; khám phá các phương pháp tiếp cận đa ngành đối với sự phát triển bền vững của các thành phố và việc bảo tồn, nâng cao bản sắc văn hóa của nó. Bất kì sự thay đổi nào hướng tới tương lai bền vững hơn đều phải bắt đầu từ sự thừa nhận quá khứ.

Officine Gặp

Officine Gap – Yuri Frassi & Afra Rebuscini

Năm ra đời: 2021

Lĩnh vực hoạt động: Thiết kế, Sáng tạo và Phát triển Đô thị, Nghệ thuật cho Cộng đồng, Nghệ thuật nơi Công cộng

Yuri Frassi – cố vấn cho các cơ quan văn hóa tại Milan và London, và Afra Rebuscini – kiến trúc sư, giám tuyển nghệ thuật tại London & TP. HCM đã thành lập Officine Gặp năm 2021 với mục tiêu trở thành một studio liên ngành định hướng nghiên cứu, làm việc với cơ quan văn hóa, kiến trúc sư, nghệ sĩ và nhà quy hoạch đô thị để phát triển, cải tạo khung văn hóa tại các thành phố Đông Nam Á. Officine Gặp thực hành tại vùng giao thoa của nghệ thuật, kiến trúc, kinh tế học và khoa học xã hội, được hỗ trợ bởi kiến thức mở rộng về bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội.

Trong đó, Yuri Frassi thực hành và nghiên cứu về sự hòa giải và gặp gỡ giữa 03 chủ thể: nghệ sĩ, giám tuyển và quản lý trong quản lý văn hóa và di sản.

Còn Afra Rebuscini quan tâm tới sự giao thoa giữa nghệ thuật, kiến trúc, đô thị học và cách văn hóa – nghệ thuật tạo nên cảnh quan thành phố, cũng như cách nhà quy hoạch đô thị, người thực hành nghệ thuật kết hợp để cải thiện đời sống văn hóa xã hội.

Hình ảnh dự án nghệ thuật công cộng “Every Second In Between” tại London do Afra Rebuscini và nghệ sĩ Hàn Quốc Kyung Hwa Shon thực hiện

Hanoi Underground Movement (HUM)

Năm ra đời: 2017

Lĩnh vực hoạt động: Âm nhạc, Giáo dục và Đào tạo Sáng tạo

Hanoi Underground Movement (HUM) là một tổ chức quốc tế thành lập tại Hà Nội với mục tiêu phát triển âm nhạc underground tại Hà Nội và các thành phố châu Á dựa vào tiềm năng từ sự đa văn hóa và đa dạng về nguồn gốc tại đây. HUM có sự tham gia đông đảo từ các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Marco Yanes, nhà sản xuất âm nhạc và DJ người Ý với 20 năm kinh nghiệm, đã thành lập HUM vào năm 2017. Anh đến Việt Nam với mong muốn thúc đẩy âm nhạc bản địa, bằng cách tạo lập một cộng đồng người trẻ yêu âm nhạc ở Việt Nam qua HUM. HUM hỗ trợ những người muốn hiện thực hóa ý tưởng âm nhạc với các khóa học, sự kiện open-deck và thu âm miễn phí. 

Đồng hành cùng Marco Yanes là Đặng Liên – DJ người Việt, làm việc tại cả hai mảng thời trang và âm nhạc; hiện cô là chủ của Dalient và DJ tại HUM. 

Một số hình ảnh về Hanoi Underground Movement

31.08.2022

NGƯỜI VIẾT
Nguyệt Cầm