Hãy tưởng tượng về một thời điểm trong tương lai, nơi mà thói quen, đồ vật, cảnh quan,… của chúng ta xuất hiện trong cuộc tán gẫu về “di sản” của thế hệ kế tiếp. Những “di sản” vẫn đang trong đời sống hiện tại của nó, mấy trăm năm nữa hoàn toàn có thể trở thành chất liệu để thế hệ tương lai kể câu chuyện sống động về chúng ta.
Đó là ý tưởng đằng sau khái niệm “di sản tương lai” – chủ đề chính của hội thảo “Di sản tương lai: Trí tuệ sáng tạo và tác động tới di sản tương lai tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 2/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Với sự góp mặt của các chuyên gia là giảng viên, nhà nghiên cứu, người thực hành đa lĩnh vực, rất nhiều giải pháp sáng tạo đã được chia sẻ, gợi mở một cuộc thảo luận không hồi kết về mối quan hệ giữa công nghệ và di sản.
Số hóa hiện tại để lưu trữ cho tương lai
Theo cô Michal Teague, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, di sản tương lai tại Việt Nam là nguồn tư liệu quý giá cho hoạt động nghiên cứu, tuy nhiên lại bị hạn chế tiếp cận về chi phí, thời gian và không gian. Việc khuyến khích phát triển các phương pháp tiếp cận số hóa với chi phí thấp hoặc miễn phí sẽ góp phần đảm bảo tính đa dạng quan điểm đối với di sản, tăng cường năng lực hợp tác, đồng thời là công cụ quyền lực mềm để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
“Chỉ cần những tư liệu này được số hóa, công chúng sẽ tiếp cận được nó.” – cô Michal Teague, giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam.
Nhưng số hóa thế nào? Tiến sĩ Alison Bennett, Phó Trưởng khoa Nhiếp ảnh tại Đại học RMIT Melbourne, đề xuất ý tưởng dựng mô hình 3D để sao chép những không gian có nguy cơ bị hư hại, qua đó lưu trữ nét văn hóa và tư tưởng được biểu thị trong không gian đó. Lấy ví dụ từ dự án mô phỏng thác nước và ngôi nhà ở quê hương Biripi, cô cho rằng, kỹ thuật này không chỉ phục dựng quá khứ mà còn giúp đưa ra những ý tưởng thiết kế phỏng đoán cho tương lai.
Tiến sĩ Alan Hill, Chủ nhiệm bộ môn Nhiếp ảnh tại Đại học RMIT Melbourne, chia sẻ chung hướng tiếp cận di sản này. Với thầy, bất kỳ chủ thể nào cũng đều hiện diện trong mối quan hệ với cộng đồng và cảnh quan xung quanh, nơi mà họ cùng tồn tại và nuôi dưỡng. Một tấm ảnh với “ý định văn minh” (civil intent) sẽ không đơn thuần tập trung vào đối tượng cụ thể; thay vào đó, nó làm nổi bật sự kết nối giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội mà cá nhân đó đại diện.
Cô Michal Teague, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam
Tiến sĩ Alan Hill, Chủ nhiệm bộ môn Nhiếp ảnh tại Đại học RMIT Melbourne
Dĩ nhiên, trong hiện tại luôn hàm chứa sự thay đổi. Và đó là lý do vì sao nhiếp ảnh gia Edward Ryan, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, thường có thói quen lang thang đường phố để quan sát và khám phá các phương diện khác nhau của sự vật. Dần dần, một bức tranh hoàn chỉnh về cuộc sống đô thị địa phương đương đại sẽ được dựng lên từ những mảnh ghép rời rạc mà anh thu thập được.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư Trung Mai, người khởi xướng Hanoi Ad hoc, đem tới hội thảo ý tưởng lưu trữ những công trình còn quá trẻ để được công nhận là di sản. Bắt đầu từ việc nghiên cứu lịch sử và vẽ lại kiến trúc của các nhà máy công nghiệp cũ trong bối cảnh hậu thuộc địa của Hà Nội, anh mong muốn xây dựng kho tư liệu công cộng về đô thị, từ đó khuyến khích cộng đồng cùng tham gia thảo luận về một tương lai mới cho những thực thể bị lãng quên.
Kiến trúc sư Trung Mai, người khởi xướng Hanoi Ad Hoc
Lựa chọn nhiếp ảnh là lĩnh vực chính, Hà Đào và Linh Phạm đã sáng lập tổ chức Matca như một phản hồi trước sự thiếu vắng tài liệu về lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam. Thông qua các hình thức tạp chí trực tuyến, ấn phẩm in và không gian vật lý, Matca nỗ lực ghi chép và quảng bá những góc nhìn đa chiều về thực hành nhiếp ảnh nước nhà, cũng như hỗ trợ trao đổi và hợp tác giữa các nhiếp ảnh gia.
Căn tính Việt Nam trong kỷ nguyên số
“Gốc” là từ ngữ người Việt thường dùng để miêu tả nơi mình sinh ra, và bởi vậy “mất gốc” đồng nghĩa với đánh mất bản ngã của chính mình. Với chị Thao Vu, sáng lập thương hiệu thời trang Kilomet109, thiết kế gốc (rooted design) là cách để người làm sáng tạo định hình di sản tương lai giữa thời kỳ bùng nổ của toàn cầu hóa và tiêu dùng. Thiết kế gốc không chỉ tạo ra chuỗi sản xuất với lợi ích kinh tế và xã hội ổn định, mà còn đảm bảo kết nối với các giá trị nguyên bản của di sản trong cộng đồng.
Thao Vu, người sáng lập Kilomet109
Không chỉ Thao Vu, nhiều người thực hành khác cũng chung hành trình đi tìm cái “gốc” Việt Nam để đưa nó trở thành một phần của xã hội đương đại. Bắt đầu từ năm 2022, Paul Antoine Lucas và Bùi Quý Sơn, đồng sáng lập Exutoire, đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại các làng nghề sản xuất nguyên vật liệu truyền thống Việt Nam như làng gốm Bát Tràng, hay xưởng tre ở Bắc Ninh. Đây là cách để Exutoire tìm kiếm giải pháp ứng dụng văn hóa bản địa vào thực tiễn, từ đó tái định hình hoạt động kiến trúc và xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đương đại.
Thao Nguyen, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, lại đem tới hội thảo những chia sẻ về đây/đó (here/there), một dự án trao đổi liên văn hóa về thủ công truyền thống và thiết kế. Thông qua đây/đó, Thao Nguyen cùng cộng sự mong muốn kết nối các nghệ sỹ trẻ Việt Nam với các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Việt Nam và Úc để phát triển thiết kế của mình tới thị trường quốc tế. Sự hợp tác đa văn hóa này nhằm hỗ trợ sức sống lâu dài cho các hoạt động thủ công kết nối lịch sử văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và môi trường bền vững.
Chia sẻ chung tinh thần ấy, Elise Luong, người sáng lập Undecided Productions, đã tổ chức chương trình lưu trú nghệ sỹ về gốm sứ live.make.share và nhóm đọc The Women’s Room (Phòng nữ) nhằm mở ra không gian trao đổi các vấn đề văn hóa và xã hội tại Việt Nam, khuyến khích các góc nhìn lý thuyết và thực hành đa dạng về di sản văn hóa trong mối tương quan với thế giới ngày nay.
Elise Luong, người sáng lập Undecided Productions
Là nghệ sỹ thị giác, Hà Ninh Phạm lựa chọn lưu trữ hành trình khám phá bản sắc văn hóa dưới hình thức thể hiện nghệ thuật trong dự án “Country X” – nơi anh xây dựng một thế giới mới lấy cảm hứng từ trải nghiệm cá nhân. Còn với Nguyễn Duy Anh, anh cùng các nghệ sỹ khác thành lập không gian mở ba-bau AIR, nơi tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận, trao đổi và hiện thực hóa các ý tưởng về nghệ thuật. Mong muốn lớn nhất của ba-bau AIR là trở thành “nhà”, để ai trong cộng đồng đó cũng có cảm giác thuộc về.
Nghệ sỹ ảnh động Nguyễn Duy Anh
Những kỹ thuật công nghệ hiện đại đang nới rộng giới hạn về cách thức sáng tạo, phân tích, gìn giữ và phát triển di sản. Khi giới hạn này được xóa bỏ, thách thức lớn nhất đối với cộng đồng nói chung và người thực hành sáng tạo nói riêng là dự đoán, định hình và đưa ra quyết định về một tương lai vốn hàm ẩn nhiều biến động. Khi ấy, câu hỏi được đặt ra là: những giá trị nào nên được lựa chọn để trở thành di sản cho thế hệ sau này, và chúng ta phải làm gì để tiếp tục phát triển các giá trị đó?
Mời bạn xem lại chi tiết nội dung buổi hội thảo trên kênh Youtube của VFCD tại địa chỉ: https://www.youtube.com/@vfcd.events