Công Nghiệp Sáng Tạo Làm Thế Nào Để “Thách Thức Sáng Tạo” Trước “Thay Đổi”

Trong những năm gần đây thế giới đứng trước những thay đổi nằm ngoài tầm đoán định. Nhiều tổ chức và nhóm sáng tạo đã và đang lựa chọn sự mạnh mẽ, chủ động vượt qua giới hạn, chủ động đối mặt với thách thức để thích ứng và tìm ra cơ hội phát triển mới.

“Thay đổi…”

Trong một vài năm trở lại đây, thế giới đứng trước dịch Covid-19 – một biến cố không thể lường trước và chưa từng có tiền lệ. Mọi ngành nghề, lĩnh vực dù bền vững đến đâu cũng bị thách thức, từ y tế, giáo dục, kinh doanh, sản xuất… tất cả đều bị Covid-19 cản trở. Công nghiệp sáng tạo – một lĩnh vực vẫn còn non trẻ so với các ngành khác – đã bị ảnh hưởng nặng nền bởi biến cố dịch bệnh. Dịch bệnh đã làm giảm 750 tỉ USD tồng giá trị ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo trên toàn thể giới trong năm 2020, tương ứng với 1% GDP toàn cầu năm 2019 [1]. Do không được coi là ngành thiết yếu, bảo tàng, triển lãm và sân khấu là những nơi được mở lạimuộn nhất – theo nhận định của World Economic Forum [2]. Chỉ riêng trong ngành bảo tàng, 90% địa điểm đã phải đóng cửa, trong đó 10% không có khả năng mở cửa trở lại [3]. Rạp phim, sân khấu, sự kiện âm nhạc cũng bị đóng cửa hoàn toàn trước lệnh cấm tập trung đông người: ước tính 7000 sự kiện nghệ thuật trình diễn tại Ý bị hủy bỏ từ tháng 2 – tháng 3/2020, 8100 sự kiện âm nhạc tại Brazil bị hủy bỏ trong tháng 3/2020 [4].

Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (New York) đóng cửa vào tháng 3/2020 do dịch Covid-19 (Ảnh: Cindy Ord/Getty Images)

Ở mức độ cá nhân, 10 triệu nhân sự ngành văn hóa sáng tạo trên thế giới, tương đương với khoảng gần 20% trong số 51 triệu nhân sự của ngành, bị mất việc làm chỉ tính trong năm 2020 [5]. Nhiều “công nhân sáng tạo” phải tìm kiếm công việc trong ngành khác hoặc thậm chí rời khỏi thị trường lao động trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra; dẫn tới nguy cơ kĩ năng và kiến thức trong ngành bị mai một và sẽ không thể phục hồi lại tiềm lực kinh tế như ban đầu.

…Thách thức Sáng tạo”

Ấy thế nhưng “thời thế tạo anh hùng”, các “công nhân” đã đưa ngành văn hóa sáng tạo bền bỉ chống chịu và thậm chí bùng lên mạnh mẽ hơn sau biến cố, chứng minh khả năng thích ứng mềm dẻo, nhanh nhạy vượt trội của ngành so với các ngành nghề khác. Họ chủ động đón đầu thách thức như một sự tự thử thách khả năng sáng tạo của bản thân, khai phá ra những hướng phát triển mới cho văn hóa sáng tạo.

“Nhiều nghệ sĩ và chuyên gia ngành văn hóa đã nắm bắt cơ hội về sự gia tăng mạnh mẽ của các dịch vụ phát hành trực tuyến để phát triển các dự án sáng tạo trên không gian kĩ thuật số.”, báo cáo của UNESCO nhận định.

Ngành bảo tàng từ thời điểm dịch Covid-19 đã nắm bắt chuyển đổi số rất hiệu quả. Google Arts & Culture đã kết hợp cùng 1200 bảo tàng và triển lãm khắp thế giới để mang trải nghiệm tour thực tế ảo tới từng nhà [6]. Chỉ ngồi trong phòng ngủ ở Việt Nam, khán giả có thể “du lịch” tới các bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Anh Quốc (London), Bảo tàng Van Gogh (Amsterdam), Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia Seoul… Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) cùng như thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality) cũng từ đó được đẩy mạnh nhằm tối ưu trải nghiệm khách tham quan.

Dịch bệnh cũng chứng kiến nhiều sự kiện biểu diễn độc đáo “trực tiếp từ phòng ngủ”. Không cần sân khấu cầu kì, các nghệ sĩ tự thu âm, thu hình tại nhà hoặc studio, sau đó mix và master, dựng video qua phần mềm điện tử, kết quả là đã có một sản phẩm âm nhạc DIY (do it yourself) đậm chất Covid-19. Hãng thu âm 88rising nắm bắt xu thế bằng cách livestream trực tuyến toàn bộ buổi hòa nhạc với nhiều ngôi sao gốc Á nổi tiếng, thu hút lượt xem khủng từ khắp nơi.

Tour thực tế ảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Hood, Đại học Dartmouth, Mỹ (Ảnh: Hood Museum, Dartmouth College)

Khoảng cách địa lý không còn là cản trở với văn hóa sáng tạo, chính nhờ thời điểm cách ly do dịch bệnh mà ta đã khám phá ra điều này. Việc thiết lập không gian làm việc trực tuyến trở thành mấu chốt cho sự kết hợp giữa các nghệ sĩ quốc tế, kết nối liên ngành giữa nhiều lĩnh vực văn hóa sáng tạo với nhau.

Dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật (Month of Arts Practice – MAP) do nghệ sĩ Trần Trọng Vũ khởi xướng và tổ chức thường niên bởi Heritage Space là một minh chứng tiêu biểu cho thấy dịch bệnh không thể cản trở thực hành sáng tạo. Dự án khởi động từ năm 2015 với ý tưởng để các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam cùng làm việc trong cùng một không gian, chia sẻ cùng một chủ đề và cùng điều kiện sinh hoạt làm việc để thúc đẩy học hỏi và trao đổi [7]. Dự án được Heritage Space vận hành đều đặn từ 2015, vượt qua giai đoạn hai năm Covid-19 2020, 2021 mà không hề bị gián đoạn chính là nhờ sự vận dụng nền tảng Zoom để kết nối các nghệ sĩ cũng như kết hợp triển lãm trực tiếp và trực tuyến tại trang web của MAP.

Triển lãm Khoảng cách trắng trong khuôn khổ Tháng Thực hành Nghệ thuật MAP 2021 (Ảnh: Hoàng Minh Trang)

Một ví dụ khác là dự án ReConnect do Viện Goethe tổ chức nhằm giúp hiện thực hóa các cơ hội gặp gỡ xuyên quốc gia bằng hình thức cộng tác trực tuyến. Dự án này mang đến hỗ trợ tài chính dành cho đối thoại và hợp tác sản xuất giữa các nghệ sĩ Việt nam và Đức thuộc lĩnh vực âm nhạc (nhạc điện tử, cổ điển, nhạc mới), video art, và trình diễn [8]. Các khóa thuyết giảng, hòa nhạc và trình diễn đa phương tiện của nhiều nghệ sĩ đã diễn ra sôi nổi bất chấp cản trở dịch bệnh.

Hòa nhạc Hanoi Brass Week trong khuôn khổ dự án ReConnect (Ảnh: Hanoi Brass Community, Viện Goethe)

Bối cảnh bất định cũng cho thấy sự kết nối liên ngành là vô cùng quan trọng để ngành văn hóa sáng tạo cùng những ngành nghề khác để làm mới mình và đứng vững trước biến cố. Văn hóa, nghệ thuật cần kết hợp với công nghệ, thiết kế và truyền thông để lan tỏa giá trị của mình đến cộng đồng, văn hóa dân gian cần được khai thác và trình bày trong thực hành nghệ thuật hiện đại và đương đại để được lưu giữ và không bị mai một, các ngành nghệ thuật cần làm việc liên ngành khéo léo với nhau để tạo ra những giá trị mới, hay các cá nhân và tập thể sáng tạo cần giúp sức, phối kết hợp với nhau để tối ưu nguồn lực phát triển.

Đó chính là nền tảng và động lực thôi thúc RMIT Việt Nam khởi xướng Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) – một nền tảng tương tác cởi mở, hiệu quả để các cá nhân và tổ chức sáng tạo kết nối, trao đổi lẫn nhau cũng như chia sẻ với khán giả. Xuyên suốt thời điểm dịch Covid-19 năm 2020, 2021, VFCD đã tiếp tục phát triển trên nền tảng trực tiếp và trực tuyến đa nền tảng, làm tốt vai trò hỗ trợ ngành văn hóa sáng tạo phát triển.

Hình ảnh tại Lễ giới thiệu Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, tháng 8 năm 2022 (Ảnh: VFCD)

Công nghiệp văn hóa sáng tạo đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và được truyền cảm hứng để không tụt lại sau đại dịch mà thậm chí mở ra những hướng mới tiềm năng hơn sau dịch Covid-19. Lấy cảm hứng từ bước chuyển mình đó, nhằm mục đích tôn vinh sức sáng tạo của ngành CNST trước thách thức thời đại, khuyến khích hướng sáng tạo liên ngành, VFCD 2022 lựa chọn chủ đề “Thay đổi: Thách thức Sáng tạo”. Với chủ đề THAY ĐỔI: THÁCH THỨC SÁNG TẠO, chương trình VFCD 2022 dự kiến bao gồm tọa đàm/hội thảo, triển lãm, workshop, và nhiều hoạt động khác, bàn luận về tầm nhìn, xu hướng, bản sắc văn hóa và tương lai cho ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2022 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Vietnam, cùng các đối tác đa dạng gồm cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, thực hiện với sự bảo trợ truyền thông và cố vấn tổ chức từ Hanoi Grapevine.

Tài liệu tham khảo:

[1] [4] [5] UNESCO, Cultural and creative industries in the face of COVID-19: an economic impact outlook https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000377863

[2] World Economic Forum, COVID-19 hit the creative industries particularly hard. How can they be supported in future?  https://www.weforum.org/agenda/2022/02/creatives-job-losses-covid-employment/

[3] Museums around the world in the face of COVID-19 https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000373530

[6] Andrea Romano, These 12 Famous Museums Offer Virtual Tours You Can Take on Your Couch https://www.travelandleisure.com/attractions/museums-galleries/museums-with-virtual-tours

[7] Heritage Space, THÁNG THỰC HÀNH NGHỆ THUẬT – MONTH OF ARTS PRACTICE – MAP http://heritagespace.com.vn/h1.nsf/0/Thang-thuc-hanh-Nghe-thuat–Month-of-Arts-Practice–MAP-47.htm

[8] Hanoi Grapevine, Đề cử Dự án ý nghĩa trong năm: ReConnect https://hanoigrapevine.com/vi/2022/06/finest-project-nominees-reconnect/

05.10.2022

Bài viết bởi Nguyệt Cầm cho Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD)

Bản dịch tiếng Anh bởi Đinh Vũ Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ bài

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép