“Chuyến Tàu Cảm Xúc” Tại Triển Lãm Thách Thức Sáng Tạo 2022

Triển lãm Thách thức Sáng tạo 2022 – Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam đã tạo ra cơ hội hiện thực hoá ý tưởng của 05 cặp đôi sáng tạo từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giới thiệu các thành quả của họ đến với công chúng. Năm cụm tác phẩm là thành quả đầy tâm huyết của các cặp đôi sau hơn 03 tháng “mất ăn mất ngủ” với VFCD. Các tác phẩm được trưng bày tại không gian COMPLEX 01 tại Hà Nội và De La Sól tại TP. HCM từ ngày 7-24.11.2022, đã thu hút được nhiều lượt người xem, tương tác và trải nghiệm.

Các tác phẩm đã đưa khán giả lên một “chuyến tàu cảm xúc” – từ cảm giác bình dị, thân thuộc với Sống (The Sun Lab & Nguyễn Huyền Châu); dí dỏm, nữ tính với Thật Hư (Nghệ sĩ Trần Thảo Miên & NTK Linh Trịnh); sặc sỡ và đặc trưng với Đám Cưới Miền Tây (Insomaniaction Collective) cho đến choáng ngợp và ngập chìm với Than Thở (KTS Nguyễn Hà & nghệ sĩ Trần Thảo Miên) và Crafting a Sonic City (Officine Gặp & HUM).

Tác phẩm “Thật Hư” của nghệ sĩ chất liệu Trần Thảo Miên và NTK Linh Trịnh đến với khán giả như một lời “mắng yêu” – vừa dịu dàng vừa mang trong đó ý niệm nghệ thuật sâu sắc. Với hình tượng chiếc chổi lông gà mềm dẻo, duyên dáng kết hợp với cách bày trí tinh tế, đơn giản, “Thật Hư” truyền tải ý niệm về sự mềm dẻo, nữ tính và cái nhìn tinh nghịch, đảo ngược công năng vốn có của chiếc chổi lông gà, và qua đó thách thức định kiến về vai trò người phụ nữ, tạo nên sự hứng thú cho khán giả.

Đường nét của các chi tiết trong tác phẩm chủ yếu là những đường cong mềm mại: đường cong của cán chổi, viền cong của phần đế và tấm chiếu phía dưới. Nhìn kĩ hơn sẽ nhận thấy chất liệu được chế tác tinh xảo từ các kỹ thuật và chất liệu truyền thống như sơn mài, chạm khắc đồng, tạo hình gỗ, xử lý lông gà khéo léo.

Tác phẩm “Sống” của Nguyễn Huyền Châu và nhóm The Sun Lab đem sức sống của nghề đan lát thủ công truyền thống đến với không gian triển lãm. Mẫu đan lát cũng được nhóm chuẩn bị và trưng bày theo từng bước thực hiện, cùng với đó là thư viện trực tuyến giới thiệu một cách hệ thống các làng nghề đan lát, hoạ tiết và nguyên liệu đan lát trên khắp Việt Nam mà nhóm thu thập được. Một không gian tạo cảm giác gần gũi, bình dị và mang hồn cốt rất Việt Nam!

Các bộ kit đan lát tại góc “Sống” có sức hút mạnh mẽ với khán giả, ai đến với triển lãm cũng tò mò và bắt tay ngay vào làm thử. Nhóm cũng cẩn thận chuẩn bị video hướng dẫn để người tham gia nhìn và thực hiện theo.

Hai chiếc mâm trái cây được khéo léo tạo hình rồng – phượng tinh xảo cùng tấm poster bắt mắt là những tác phẩm đầu tiên “lôi kéo” người xem đến với góc trưng bày của Insomaniaction Collective. Tại đây, người xem còn có thể bước vào thế giới của “đám cưới” và không khí đời sống tại miền Tây, nơi đậm đặc chất liệu dân gian từ âm thanh tới hình ảnh, thông qua cuốn băng của Long Trần hay bộ ảnh của Cái Cái. Những vật phẩm gợi nhắc phần nào tới không khí đám hội sôi nổi, thân thuộc, vừa suồng sã, nhộn nhịp, lại vừa kiểu cách, rực rỡ. 

Không gian “Crafting a Sonic City” của Officine Gặp và HUM tạo cảm xúc mạnh cho người tham gia với trải nghiệm nghệ thuật immersive (đắm chìm) với âm thanh trong căn phòng tối và băng che mắt. Đây là một trải nghiệm mới lạ, độc đáo khi ta bỏ qua phần “nhìn” và hoàn toàn chìm đắm vào phần “nghe”. Đây cũng là không gian “tuy một mà hai” tại triển lãm năm nay, bởi phiên bản Hà Nội và Sài Gòn là hai phiên bản âm thanh hoàn toàn khác nhau, kể hai câu chuyện khác nhau về hai thành phố.

Nếu bối cảnh Hà Nội được xây dựng bằng âm thanh tiếng gà gáy, tiếng loa đài tập thể dục, tiếng họp chợ, tiếng hàng quán, âm thanh các hoạt động buổi tối quanh hồ Gươm; thì âm thanh đặc trưng của Sài Gòn lại là tiếng karaoke phát ra từ các con ngõ nhỏ, tiếng rao “hột dzịt lộn hột dzịt dzữa” mà bất kì ai quen thân với Sài thành cũng có thể đọc theo… Bên ngoài không gian phòng tối, cặp đôi minh họa bản đồ âm thanh tại các địa điểm thu âm và trưng bày ấn bản phẩm zine cô đọng lại công trình nghiên cứu về cảnh quan âm thanh đô thị do Officine Gặp thực hiện. Với “Crafting a Sonic City”, Officine Gặp và HUM đã truyền tới người tham gia thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của âm thanh trong việc hình thành nên bản sắc và ký ức của một thành phố.

Không gian “Than Thở” của KTS Nguyễn Hà và nghệ sĩ chất liệu Trần Thảo Miên đã khiến khán giả Hà Nội choáng ngợp: choáng ngợp không chỉ bởi hiệu ứng ánh sáng huyền ảo từ những viên “than biết thở”, mà còn choáng ngợp với không gian trưng bày: chiếc lều dựng bằng tre, căng vải đen tạo ra không khí bí ẩn và thiêng liêng cho những chiếc ‘đèn than đá”.

Có thể nói “Than Thở” là dự án mà khán giả Sân chơi Thách thức Sáng tạo không thể đoán trước sẽ ra mắt như thế nào, bởi chính nhóm tác giả cũng không biết tác phẩm của họ sẽ hiện hình như thế nào cho đến khi gỡ khuôn vào sát ngày triển lãm. Kết quả đã làm tất cả mọi người bất ngờ, chất liệu giấy quang dầu đem đến nhiều hiệu ứng ánh sáng độc đáo cho từng viên “than”, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh và đậm chất nghệ thuật.

Năm tác phẩm – năm cặp đôi sáng tạo đã có màn ra mắt đa dạng và thú vị trước toàn thể khán giả VFCD. Và, đây chỉ là chặng khởi đầu của các dự án. Các cặp đôi sẽ còn tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm/tác phẩm của mình, đem lại nhiều giá trị hơn nữa cho chính bản thân và cho cộng đồng.

02.12.2022

Bài viết bởi Nguyệt Cầm và Hà Bi cho Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD)

Bản dịch tiếng Anh bởi Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ bài

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép