Xem tận mắt sờ tận tay vật liệu sinh học cho tương lai

Chiều ngày 11.11.2022, tại tổ hợp COMPLEX 01, đã diễn ra buổi trình bày dự án thực nghiệm chế tạo vi khuẩn sinh học làm vật liệu sinh học do các giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc Đại học RMIT Việt Nam và Đại học Công nghệ Auckland New Zealand.

Phó Giáo sư Donna Cleveland – Phó Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam là diễn giả chính trong buổi trình bày. Phó Giáo sư đã đưa ra những câu hỏi nghiên cứu liên quan tới kết quả nghiệm thu của việc nuôi trồng, thu hoạch và làm khô vật liệu sinh học Kombucha được làm từ các nguyên liệu nông nghiệp của Việt Nam và dưới điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng đã thử nghiệm các cách kết hợp nguyên liệu khác nhau ảnh hưởng như thế nào tới đặc tính và tác dụng của loại vật liệu sinh học mới này. Câu hỏi về ứng dụng, tiềm năng thay thế các chất liệu tổng hợp hiện có của vật liệu có nguồn gốc sinh học này cũng là câu hỏi mà dự án lần này quan tâm nghiên cứu.

Trong bài thuyết trình, Phó giáo sư Donna Cleveland chỉ ra những tác động của vật liệu gây hại tới môi trường như nhựa tổng hợp hay da từ động vật, và tầm quan trọng của việc tìm ra một vật liệu sinh học thay thế cho những vật liệu quen thuộc hiện có. Phó Giáo sư cho rằng “nhựa không xấu”, nhưng “nó phù hợp với những vật dụng, công trình có công năng sử dụng dài, tính bằng năm, chứ không phải có vòng đời sử dụng chỉ vỏn vẹn 45 phút như một chiếc túi nilon”. Kết quả thử nghiệm cho thấy vật liệu sinh học cellulose hoàn toàn phù hợp để thay thế về tác dụng, đặc tính và có thể tự phân huỷ sinh học trong vòng vài tuần trong điều kiện thích hợp mà không gây hại tới môi trường đất và nước.

Các khán giả tham gia buổi đối thoại đã có cơ hội xem tận mắt và sờ tận tay một số bản mẫu trong hơn 100 mẫu thử từ dự án. Tất cả khán giả đều cảm thấy vừa lạ lẫm vừa hứng thú trước những phiên bản mẫu thí nghiệm được tạo nên bởi những sự kết hợp khác nhau của đường (đường trắng/đường nâu/mạch nha/đường mía), trà (trà đen/trà ô-long/trà thảo mộc) và trái cây (dưa hấu/chuối/thanh long/dừa/…).

Sau phần trải nghiệm sản phẩm, Giáo sư về Tương lai Vật chất Frances Joseph, Khoa Môi trường Tương lai tại Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand và Phó Giáo sư Donna Cleveland đã giải đáp những thắc mắc của người tham gia về tương lai của loại vật liệu này cũng như đưa ra một số gợi ý về nguồn cung nguyên liệu mới dành cho các nhà thiết kế muốn đưa vật liệu sinh học vào ứng dụng của riêng mình.

Một số khán giả cho biết, buổi đối thoại là cơ hội tiếp cận những ý tưởng mới về vật liệu sinh học và là nơi kết nối những cá nhân, nhóm, doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau đang tìm kiếm sự hợp tác trong tương lai. Các sinh viên cũng chia sẻ những dự án như thực nghiệm vật liệu sinh học là động lực giúp những người trẻ quan tâm hơn đến môi trường và phát triển bền vững.

14.11.2022

NGƯỜI VIẾT
Minh Hằng