“Việt Nam Không Thiếu Gì, Chỉ Thiếu Tư Duy Thiết Kế Game”

Đó là nhận định chung của các diễn giả trong chuỗi sự kiện Ngày toàn chơi dành cho những người yêu game, làm game, học game tại Việt Nam.

Chuỗi sự kiện kéo dài trong một ngày với ba hoạt động chính: Xem chơi – triển lãm các ấn phẩm về game đến từ nhiều đối tác; Nghe chơi – tọa đàm bàn về game Việt và những tiềm năng với ba diễn giả nổi tiếng trong ngành game; và workshop Làm chơi – thực hành tự tạo board game dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Tham gia Xem chơi, các game thủ có cơ hội thử sức trực tiếp ở một số tựa game ngay tại triển lãm. Đây cũng là không gian để những người yêu game, làm game gặp gỡ, trao đổi với nhau, mà như anh Nguyễn Thiện Toàn (Ngũ Hành Game) nhấn mạnh: “Muốn game Việt phát triển, chúng ta cần kết nối với nhau và nói về game nhiều hơn”.

Buổi sáng là thời gian diễn ra tọa đàm giữa ba diễn giả đến từ các đơn vị sản xuất game nổi tiếng như anh Nguyễn Thiện Toàn (Ngũ Hành Game), anh Brian Nguyễn (GIANTY Global) và anh Lê Thiên Quốc (Triplesec-VFX).
Các diễn giả đã cùng người tham gia ôn cố tri tân, đi từ thời điểm game mới xuất hiện ở Việt Nam cho tới thời điểm có những khởi sắc nhất định như hôm nay. Theo các diễn giả, game tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã có những thay đổi mạnh mẽ. Từ những tựa game không có màu, nhân vật chỉ biết đi ngang theo hai chiều, phải chơi trên những chiếc máy tính cồng kềnh có cấu hình tương đối mạnh, cho đến nay đã có những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, hình ảnh, cách thức game vận hành, nhân vật cũng có sự biến đổi lớn, ngày càng tinh xảo hơn về mặt tạo hình lẫn chuyển động. Thêm vào đó, sự bùng nổ của điện thoại di động thông minh giúp game tiếp cận mọi người dễ dàng hơn, từ đó tạo đà cho các tựa game mới “lên sàn” nhanh và đồng thời cũng là thách thức bởi tốc độ đào thải cũng nhanh không kém.

Game tại Việt Nam vốn “mang tiếng xấu” khi đi kèm những hình ảnh tiêu cực ở thập kỉ trước. Trong khi trên thế giới nó chỉ đơn giản là một trò chơi mang tính giải trí, có yếu tố giáo dục và tính kết nối cao, giúp người chơi giảm căng thẳng hoặc rèn luyện một vài kĩ năng nào đó. Ở một số quốc gia mạnh về sản xuất game như Nhật, Mỹ, game còn là một văn hóa phẩm để truyền bá văn hóa bản xứ ra thế giới. Chỉ cần một tựa game trở nên thu hút, nó sẽ trở thành công cụ tiếp thị văn hóa vô cùng hiệu quả.
Các diễn giả nhận định, game Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhờ vào đội ngũ nhân sự dồi dào, trẻ và ham học hỏi, kĩ năng xây dựng game không hề kém cạnh với các quốc gia khác (có thể thấy tên tuổi các nhóm làm kĩ xảo, làm game của Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều hơn). Việt Nam lại có bề dày văn hóa đủ sâu và đủ đa dạng mà chưa có mấy ai khai thác. Đi cùng đó là trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo mang tính “nho giáo cục súc” (chữ của Nguyễn Thiện Toàn) cùng với tư duy cởi mở, tất cả là điểm mạnh của game designer Việt.

Thế nhưng, điều khó hiểu là Việt Nam lại chưa ghi danh trên bản đồ game thế giới với những sản phẩm đủ tốt.
“Flappy Bird là một trường hợp nổi tiếng, chơi dễ, đa dạng nền tảng và miễn phí. Trên góc độ thiết kế game thì game này có chiều sâu, rất thu hút nên bạn chơi hoài không dứt. Nhà thiết kế kĩ càng tới mức cân chỉnh chính xác mỗi cú nhấp chuột tạo ra cú nhảy rất hoàn hảo. Flappy Bird hấp dẫn không chỉ vì cách chơi mà còn vì cách chuyển tải câu chuyện. Đây cũng là game Việt hiếm hoi rất thành công nhưng lại không trụ vững đủ lâu. Vì thế, đây là tựa game cần học theo, nhưng cũng là một bài học cần tránh. Nếu bạn muốn game mình viết có ảnh hưởng lớn thì ngoài công cụ marketing, bạn cần tốn từ 1 đến 2 năm xâm nhập thị trường, sau đó phải kéo dài tuổi thọ game 5-10 năm trên thị trường, đến giai đoạn có game bắt chước bạn thì mới gọi là thành công. Phải nói là, Việt Nam dù có nhiều nhà thiết kế game giỏi, nhưng lại thiếu những nhà thiết kế game có tư duy thiết kế thật sự tốt” – Nguyễn Thiện Toàn nói.

Tư duy thiết kế game mà các diễn giả nhấn mạnh ở đây không chỉ là kĩ năng, kinh nghiệm – vốn là thứ các nhà thiết kế dễ dàng có được chỉ qua một số năm thực chiến dự án – mà còn đòi hỏi khả năng tạo dựng mối quan hệ với các đơn vị làm game khác trên thế giới, khả năng nhìn và tạo dựng concept, tư duy logic, hiểu biết về marketing sản phẩm và thị hiếu người dùng. Trong đó, cần nhất là hình thành tư duy thiết kế, biết cách biến các chất liệu Việt trở thành nội dung cho game, để vừa có một trò chơi thú vị, vừa hấp dẫn, lôi cuốn người chơi yêu game đó, lại vừa biết cách đưa trò chơi “lên sàn” và “trụ vững”.

Vậy làm thế nào để có tư duy thiết kế game tốt?
Câu trả lời là: chơi nhiều vào!

Đúng vậy, muốn thiết kế game tốt bạn cần chơi nhiều game, chơi một game nhiều lần. Nhưng chơi để giải trí thôi thì chưa đủ, hãy chơi với con mắt của người làm game, vừa chơi vừa phân tích. Chi tiết này đủ tốt chưa? Nếu mình là khách hàng thì game này có thu hút không? Nó có khiến người chơi nhớ không, có tính độc bản không? Tính nền tảng, tính quốc gia, văn hóa có được ứng dụng tốt chưa? Như Mario, Pokemon… cũng mất 10-20 năm thiết kế, bởi những nhà thiết kế hàng chục năm kinh nghiệm. Chưa có tư duy như vậy thì chưa thể làm được game tốt.
Trên thực tế, ngành game ở Việt Nam được coi là ngành công nghiệp không khói mấu chốt, rất được chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, làm game là một chuyện, bước tiếp theo là game bussiness (phát hành và kinh doanh game) lại là chuyện khác. Tất cả đều phải học. Mà học ở đâu? Học ở thực hành – bằng việc lao vào làm game thật sự, và học ở việc đi ra thế giới, quan sát, học hỏi nhiều hơn. Từ đó cải thiện tư duy, nâng cao kĩ năng, “kéo” dự án về gia công và dần dần phát triển đủ lớn để tự xây dựng tựa game riêng.

Để làm rõ hơn về những nhận định này, workshop Làm chơi diễn ra vào buổi chiều trực tiếp hướng dẫn các bạn cách tạo ra một board game cơ bản. Các bạn được thử tự xây dựng câu chuyện và thế giới cho game, tự xác định “luật” và “quy tắc” – hai khái niệm nhiều thiết kế game thường nhầm lẫn dẫn đến sự thất bại của game đó, sau đó thuyết trình trước mọi người. Hai diễn giả Nguyễn Thiện Toàn và Michael Orion có những nhận xét, phản hồi giúp các bạn chỉnh sửa cho game trở nên tốt hơn.
Sau một ngày trải nghiệm cùng các hoạt động về game, hẳn những người trong ngành và cả những người ngoài ngành cũng đã có những mở mang mới mẻ về game Việt nói riêng, game trên thế giới nói chung.

Nếu cần thông tin chi tiết hơn về các hoạt động này, bạn có thể xem lại nội dung buổi tọa đàm trên kênh Youtube của VFCD tại địa chỉ: https://www.youtube.com/@vfcd.events

23.11.2023

Bài bởi Hà Bi cho VFCD

Ghi rõ nguồn VFCD khi chia sẻ bài

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép