VFCD 2022 Và Hành Trình Làm Mới Chính Mình

Đặt ra đề bài THAY ĐỔI cho các đối tác và cặp đôi tham gia sân chơi Thách thức Sáng tạo, nhưng ban tổ chức (BTC) VFCD không phải là ngoại lệ. Chính họ là những người đầu tiên trải nghiệm bài toán đầy thách thức này.

Làm mới mình chưa bao giờ dễ

Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam/Vietnam Festival of Creativity & Design – VFCD (tiền thân là VFMD – Vietnam Festival of Media and Design) bắt đầu mùa đầu tiên năm 2019, với quy mô nhỏ, mục tiêu ban đầu là nâng cao nhận thức về sáng tạo của công chúng Việt Nam và xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo. Bốn năm sau, VFCD trở thành sự kiện ngày càng uy tín và mang tính tiên phong, khiến cho tháng 11 trở thành dịp giao lưu và chia sẻ kiến thức, ý tưởng của nhiều cá nhân, tổ chức sáng tạo.

Trong tuần lễ diễn ra liên hoan, ngoài các triển lãm cố định, còn có các hoạt động tọa đàm, workshop, tour sôi nổi khác. Số lượng có khi lên tới hơn 40 sự kiện lớn nhỏ, với nội dung ngày càng sâu và có tính thực tiễn, mở rộng phân khúc người tham dự sau mỗi năm. Khối lượng này đòi hỏi đội ngũ tổ chức phải “căng mình” nhằm đảm bảo tất cả diễn ra suôn sẻ, thông tin đầy đủ tới công chúng.

Nhờ đó, VFCD đã có những đóng góp nhất định cho ngành công nghiệp sáng tạo. Là một cú hích tiên phong và truyền cảm hứng cho hệ sinh thái văn hóa sáng tạo tại Việt Nam, liên hoan dần chứng tỏ nhu cầu hợp tác chuyên nghiệp và mở rộng ra quốc tế trong lĩnh vực này ngày càng lớn. Các nghệ sĩ và tổ chức sáng tạo tại Việt Nam cũng mong chờ cơ hội này để kết nối cùng phát triển.

Lộn Xộn là một ví dụ điển hình cho sự trưởng thành này. Là nhóm giảng viên và  sinh viên ngành thiết kế ở Cần Thơ, chủ yếu sinh sống tại khu vực miền Tây, nơi gần như không có cơ hội hay sân chơi nào về lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Cái tên Lộn Xộn cũng bắt nguồn từ đó. Năm 2021, VFCD hỗ trợ truyền thông cho các bạn ra mắt Lộn Xộn Expo – một triển lãm ảo đa dạng và sáng tạo. Quay lại vào năm 2022 với cái tên Lộn Xộn Như…, các bạn đã có thể vừa tổ chức online để công chúng khắp nơi cùng truy cập, vừa mở rộng kết nối với nhóm nghệ sĩ Insomaniaction Collective từ thành phố Hồ Chí Minh để gom vào cuộc chơi chung: Chuỗi hoạt động nghệ thuật đa liên ngành về Đám Cưới Miền Tây.

Lộn Xộn Như… trở lại năm 2022 với những trưởng thành thấy rõ.

Tại mùa một (2019), tôi vẫn còn nghi ngờ về tính bền vững của một sự kiện như VFCD. Thực tế ở Việt Nam, không nhiều nền tảng văn hóa và sáng tạo ở quy mô này có thể trụ vững nhiều năm. Nhưng VFCD đã làm được, chứng tỏ nó có tiềm năng trở thành nền tảng sáng tạo có sức hút, có khả năng lan toả và gợi cảm hứng lớn” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật VICAS Art Studio, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức VFCD chia sẻ.

Dù đã đạt đến thành công như thế, nhưng bản thân VFCD mang sứ mệnh dẫn đường cho cộng đồng sáng tạo, nên luôn cần tự trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Năm 2022, VFCD quyết định có những đổi mới về khung hoạt động, đem bản thân ra làm “phép thử” trước cả cộng đồng.

Người trong cuộc và những đổi thay 

Điểm thay đổi đầu tiên của VFCD năm nay là chủ đề, gói gọn trong hai chữ “THAY ĐỔI”. Nhưng đằng sau một thay đổi dù lớn hay nhỏ cũng đi kèm thách thức. Đây là hai yếu tố song song, không thể tách rời.

VFCD vẫn giữ nguyên tầm nhìn ban đầu: kiến tạo một sự kiện sáng tạo có ảnh hưởng trên diện rộng, là nơi kết nối con người sáng tạo với nhau. Nhưng năm nay, nhìn thấy nhu cầu nâng cấp bản thân của các bạn trẻ – nhân lực chính của các ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam – VFCD nhanh chóng cập nhật chính mình, để tiếp tục là địa chỉ tin cậy cho người trẻ tìm đến khám phá xu hướng, kĩ năng… về sáng tạo hay quản lý dự án sáng tạo.

VFCD 2022 và cánh bướm dẫn lối cho sự đổi thay.

Bản thân liên hoan đã lấy mình ra làm ví dụ cho việc thay đổi, thì đó có thể là sự thúc đẩy các bạn trẻ dịch chuyển theo. Chúng tôi mong sau này có những sản phẩm đi từ “made in VN”, “designed in VN” thành “designed by VN”. Khi đó hành trình của VFCD mới thực sự trọn vẹn” – chị Lê Châu Phượng Liên, Trưởng phòng Tổ chức Sự kiện và Triển lãm, Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, quản lí dự án VFCD nói. Chị cho biết BTC đã lường trước thay đổi này sẽ đi kèm với tốn kém về mặt thời gian, kinh phí đầu tư cho nguồn lực, nhân lực, bộ máy, ý tưởng… nhưng sẽ rất xứng đáng.

Chị Trương Uyên Ly, giám đốc Hanoi Grapevine (HG) – nhà bảo trợ truyền thông và cố vấn tổ chức của VFCD – cho biết thêm: “HG khá hồi hộp khi chạy thử format mới! Ý tưởng là một chuyện, thực tế xảy ra như thế nào thì phải làm mới biết ý tưởng có thực sự hữu ích hay không. Mỗi năm VFCD cố gắng có thêm cái gì đó mới mẻ, thú vị để công chúng có cái mong chờ”. Theo chị, phiên bản số 4 của VFCD năm nay thậm chí còn đa dạng hơn những phiên bản trước kia, mang tính thử thách hơn, đem đến nhiều câu chuyện thú vị mà vẫn giữ được sự sâu sắc thông tin, đem đến kĩ năng, kiến thức cho người tham gia.

Điểm thứ hai là những thay đổi về địa điểm, quy cách tổ chức. Thay vì tổ chức rải rác các sự kiện văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo tại nhiều địa điểm hoặc tổ chức trực tuyến, thì năm nay, VFCD tụ họp lại trong một không gian và các khung thời gian cố định. Điều này giúp người tham dự chỉ cần tới một nơi là tham gia  được tất cả triển lãm, hội thảo.

Không gian tổ chức VFCD 2022 tại Hà Nội và TP. HCM

Điểm thay đổi lớn thứ ba là nhân sự: một phần không nhỏ nhân sự nhóm truyền thông là các bạn trẻ chưa tốt nghiệp đại học. So với các vị trí giàu kinh nghiệm của năm trước, nhân sự truyền thông năm nay có giọng văn trẻ trung phù hợp với đối tượng người đọc chính của VFCD. Nhóm thiết kế đồ hoạ cho VFCD cũng là các bạn sinh viên đã đồng hành và có cơ hội trưởng thành với VFCD qua 2 năm vừa qua. Các bạn trẻ cũng đóng góp những ý tưởng mới mẻ, đơn giản mà lại làm tăng hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội. Nhưng ngay từ đầu, việc trẻ hóa nhân sự cũng đặt ra những thách thức. Ví dụ như người trẻ chưa thật sự đủ bản lĩnh hay kinh nghiệm và ý thức được sức ảnh hưởng của các sản phẩm truyền thông trước công chúng. Sự thiếu kinh nghiệm này đòi hỏi các thành viên khác phải thay đổi quy trình làm việc từ những năm trước, gia tăng trao đổi, gắn kết cũng như giám sát, hướng dẫn lẫn nhau.

Với vai trò là quản lý dự án, đồng hành với VFCD trọn vẹn bốn mùa, Lê Châu Phượng Liên thấy rằng bản thân nhận về cái được lớn nhất là đi từ không có phông nền về văn hóa nghệ thuật đến mốc hiểu biết đủ nhiều để vận hành dự án tốt: “Mình may mắn được trao cơ hội dẫn dắt một dự án tầm cỡ quốc gia. Sau bốn mùa, mình học và cải thiện rất nhiều về kinh nghiệm làm việc nhóm, làm kế hoạch, giám sát, thực thi cũng như kết nối thành viên. Mình cũng thấm thía rằng quản lý team phối hợp với nhau quan trọng hơn kiến thức kĩ năng chuyên môn. Rất tự hào vì được là thành viên của ban tổ chức VFCD mỗi năm!”.

Vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước

Còn quá sớm để vẽ bức tranh toàn cảnh cho VFCD. Lê Châu Phượng Liên cho rằng để VFCD trở thành một sự kiện sáng tạo mang tầm cỡ khu vực, từ đó thu hút nhiều nghệ sĩ, nhà đầu tư… tới khám phá, thì cái cần không chỉ là thời gian. Sẽ còn những vấn đề nhỏ nhưng quan trọng như nhân sự, nội dung, tài chính… để nền tảng này tự thân phát triển tốt.

Để làm được điều đó, VFCD sẽ cần lan tỏa thông điệp và cam kết đóng góp cho nền kinh tế sáng tạo của mình mạnh mẽ hơn, không chỉ tới công chúng, mà còn tới chính quyền, lãnh đạo các thành phố, để nhận được sự hỗ trợ toàn diện. Bên cạnh đó, với nội bộ, VFCD cần xử lý các khó khăn giới hạn về nguồn lực: khối lượng công việc rất lớn mà nhân sự lại mỏng, phải chia nhân sự tại hai đầu đất nước để làm việc. Vấn đề thu hút người trẻ đóng góp xây dựng nền tảng này cũng là điều mà BTC trăn trở.

Dẫu vậy, tôi biết điều chúng tôi sẽ làm ngay lúc này: tiếp tục đặt ra thách thức cho chính mình để VFCD luôn là một sân chơi, một nền tảng sáng tạo thú vị và có năng lực kết nối cộng đồng thật lớn!” – Liên nói.

Hoàng Nguyệt Cầm – nhân sự nhóm nội dung truyền thông của VFCD thì có mong muốn “nghệ sĩ, nhất là các nhà sáng tạo ẩn danh, sẽ được biết tới nhiều hơn qua VFCD”. Còn Huỳnh Quế Ý – thành viên nhóm thiết kế đồ hoạ của VFCD thì kì vọng: “Những năm về sau, VFCD sẽ có thêm nhiều khuôn mặt trẻ như đội Insomaniaction Collective cũng như những đề tài mới lạ để thúc đẩy phát triển nghệ thuật ở Việt Nam”.

Hành trình ấy tiếp tục như thế nào, mùa tiếp theo có gì mới, câu hỏi này có lẽ chúng tôi sẽ để các bạn cùng tham gia trả lời.

Hẹn gặp lại, vào mùa thứ năm, với những thay đổi và cảm hứng sáng tạo bất tận!

14.12.2022

Bài viết: Hà Bi thực hiện cho VFCD 2022

Ảnh: Behalf Studio, Phan Đan, 99Rise Productions

Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.