Toạ đàm Việt Nam 2030: Đối thoại để ứng xử tôn trọng và bền vững

Vào ngày 24/10/2020, toạ đàm: “Việt Nam 2030: Tầm nhìn tương lai” đã được tổ chức bởi Đại học RMIT Việt Nam và Tổ chức Đối thoại Lãnh đạo trẻ Việt Nam – Úc. Cùng người điều phối Rimi Khan (Giảng viên RMIT Việt Nam), hai khách mời tên tuổi, nghệ sĩ Uudam Trần Nguyễn và giám tuyển nghệ thuật Zoe Butt đã thảo luận về sự liên kết giữa sáng tạo, thiết kế và tính bền vững trong bối cảnh Việt Nam hiện đại.

Xem lại toàn bộ nội dung trò chuyện tại đây

Tọa đàm bắt đầu với định nghĩa và mục đích về tính bền vững. Trong khi nghệ sĩ Uudam Trần Nguyễn đưa ra lưu ý rằng tính bền vững có thể xuất phát từ chính quá trình thực hiện tác phẩm nghệ thuật và những rác thải từ quá trình này của người nghệ sĩ, giám tuyển Zoe Butt lại có cái nhìn siêu hình hơn. Chị cho rằng “tính bền vững” là việc thấu hiểu tính tôn trọng, từ cá nhân cho tới toàn xã hội. Đặc biệt, trong một thế giới duy vật, chỉ đề cao thực tiễn trước mắt cùng chủ nghĩa khoái lạc, mối liên kết giữa những điều hữu hình (vật thật) và những tính chất siêu hình (sự tôn trọng, tính bền vững) lại càng trở nên quan trọng. Chị cho rằng, chỉ khi nhận ra tầm ảnh hưởng quyết định của từng cá nhân, con người xã hội mới có khả năng nhận thức, tôn trọng bản thân và từ đó phát triển bền vững môi trường xung quanh.

Khi nói về môi trường Việt Nam, cả hai đều bày tỏ sự chưa hài lòng với những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy vậy, diễn giả Zoe Butt lại có cái nhìn tích cực về bản chất đoàn kết của người Việt giữa lúc hoạn nạn, đặc biệt là những dự án phát triển bền vững cho người dân chịu bão lũ miền trung hiện nay. Một ý kiến cực kỳ đột phá nữa, từ cả hai diễn giả, là tình trạng quá tập trung vào công tác tái chế (recycle) mà không quan trọng công tác giảm thiểu tiêu dùng ngay từ đầu. Chính việc tràn lan những khẩu hiệu như “đồ dùng này tái chế được”, “túi nilon sử dụng nhiều lần” lại càng khiến ta chủ quan, thiếu ý thức trong việc tiêu dùng và tại sao ta lại tiêu dùng.

Điều quan trọng, cả hai diễn giả cho biết, là hướng vào những thay đổi của bản thân và cộng đồng. Bởi, như giám tuyển Zoe Butt phát biểu, khi xã hội quan tâm tới vai trò của sự cân bằng văn hoá và nhấn mạnh vào những tầng lớp khác nhau, thì một thế giới với những ứng xử tôn trọng và bền vững sẽ được phát triển.

Để làm được điều đó, nghệ sĩ Uudam Trần Nguyễn đã phát triển một số dự án nâng cao ý thức cộng đồng. Những dự án như “Rồng Rắn Lên”, “Eco-Đi” đều vô cùng thân thiện với môi trường, diễn giải được những nỗi niềm, những mong muốn của nghệ sĩ cho một Việt Nam bền vững. Những tác phẩm này cũng sử dụng nhiều hình ảnh truyền thống, quen thuộc với Việt Nam như Thánh Gióng, đôi dép… Mong muốn lớn của anh, anh bày tỏ, là tạo ra những thay đổi dần dần, “mưa dầm thấm lâu”, chứ không cưỡng ép, đột ngột.

Đồng tình với quan điểm đó, diễn giả Zoe Butt cho rằng, chúng ta cần đa dạng hoá những hoạt động văn hoá tại Việt Nam. Chúng ta cần tạo ra một môi trường cho những đối thoại từ các cá nhân, tổ chức, tầng lớp khác nhau để xã hội có thể cùng hiểu và chung sức cho hoạt động phát triển bền vững. Và nghệ thuật thị giác là con đường cả hai diễn giả chọn, bởi cách thể hiện này là cách thể hiện năng động nhất, đa ngôn nhất trong lĩnh vực sáng tạo.

Kết thúc chương trình, cả hai diễn giả đều đã trả lời những câu hỏi thú vị từ người xem, như “Làm thế nào để người Việt Nam giảm sử dụng túi nilon” hay “Làm thế nào để nhiều người sử dụng những sản phẩm xanh hơn nữa”. Những ý kiến đều được đưa ra hết sức khách quan, thân thiện.

Và các bạn cũng đừng quên chúng ta vẫn còn cuộc thi Việt Nam 2030: Tầm nhìn tương lai cùng trong chuỗi sự kiện nhé! Tham gia ngay VIỆT NAM 2030: TẦM NHÌN TƯƠNG LAI tại: www.bit.ly/vfcd_vn2030

16.11.2020

NGƯỜI VIẾT
Đinh Nguyễn