Tìm Tòi Phố Cũ Lãn Ông Và Những Ẩn Giấu Trong Lòng Hà Nội

Những câu chuyện ẩn giấu trong lòng phố Lãn Ông và phố cổ Hà Nội, mà có lẽ kể cả người sống tại Hà Nội nhiều năm chưa chắc đã biết tới, tất cả được truyền tải thật tự nhiên, gần gũi qua chuyến dạo phố cùng Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (FVH).

Chiều thứ Bảy 12.11, một buổi chiều thu nắng đẹp, VFCD đã có cơ hội đồng hành cùng Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (FVH) trong chuyến du ngoạn đặc biệt “Khám phá Hà Nội: Phố Lãn Ông và phố cổ Hà Nội”.
“Khám phá Hà Nội: Phố Lãn Ông và phố cổ Hà Nội” là chuyến hành trình gần gũi tìm tòi những giá trị quý giá ẩn hiện trong khu phố cổ Hà Nội. Xuất phát từ phố Lương Văn Can, qua phố Hàng Cân, Lãn Ông, rồi Hàng Vải, Hàng Mã, Cổng Đục và ngược về phố Chả Cá, cả đoàn thong dong vừa đi vừa nghe chuyện, vừa ngắm nghía, vừa trò chuyện với nhau.
Chuyến đi cứ thế đi vào đời sống Hà Nội một cách rất tự nhiên qua lời kể chuyện của tình nguyện viên Nguyễn Phương Loan, qua những người dân mà cả nhóm đã gặp trên đường.

Người tham gia có dịp biết tới các địa điểm đặc biệt ẩn giấu trong lòng Hà Nội mà trước giờ chưa từng để ý. Căn nhà 6A Lương Văn Can thường ngày bán đồ chơi trẻ em nhưng thực ra lại chứa một cái đền ngay bên trong nhà, nếu nhìn kĩ sẽ thấy tên biển hiệu viết bằng chữ Hán và hai cột đền phía trên mái. Hay đền Xuân Yên thờ công chúa Lân Ngọc tại 44 Hàng Cân và căn nhà số 42 bên cạnh có cánh cửa và gác xép kiểu cũ, phải đi bộ, ngắm nghía thật kĩ mới thấy.
Đi một vòng mà thấy biết bao địa điểm tâm linh trong lòng phố cũ. Điều đặc biệt là dù phố phường Hà Nội bên ngoài có ồn ã thế nào, chỉ cần bước vào sân đình, vào cửa đền là mọi âm thanh dịu lại và ngay lập tức cảm thấy bình yên. Cả nhóm ghé thăm đình Đồng Môn trên phố Hàng Vải, gặp ông từ trông đình Tân Khai ở phố Hàng Gai, nhờ đó mà nghe được biết bao câu chuyện lý thú về các đình trong lòng phố cổ. Bác kể câu chuyện về câu đối về Đức Long Đỗ – “Long Đỗ Trung Linh” trong ngôi đền thờ vương khí linh bậc nhất huyệt Kính Thiên. Hiếm lắm mới có dịp những người trẻ được nghe hoành phi câu đối kể chuyện lịch sử, rồi tìm hiểu những câu chuyện về ngôi đình được xây từ các đời vua nhà Nguyễn.
Phố Lãn Ông – trung tâm của chuyến khám phá – theo chị Loan là một trong những điểm đặc sắc nhất trong phố cổ Hà Nội khi biểu hiện rõ sự giao thoa văn hóa, vừa có nét Việt cổ, có nét Pháp từ thời thực dân, lại có nét Trung Quốc do trước kia là khu phố nhiều người Hoa sinh sống.
Trước đây, nhà trên phố chỉ được xây một tầng, tương truyền do không được phép cao hơn kiệu của vua khi vua đi vi hành. Rồi khi thực dân Pháp sang, một số căn nhà có thêm tầng hai, có ban công theo kiểu Pháp. Nhưng trên phố Lãn Ông cũng có thể tìm thấy một số căn nhà với cửa to bốn gian, tám gian theo kiến trúc Trung Hoa. Cứ thế cuốn theo chiều dài lịch sử và hiện đại cho đến nay, con phố được bồi đắp thêm nhiều nét chấm phá độc đáo.
Thật khó để diễn tả lại trọn vẹn những khoảnh khắc trong chuyến đi bằng từ ngữ, bởi chuyến đi trong lòng những người tham gia còn được tạo nên bởi cảm giác, mùi hương và âm thanh trên phố. Chuyến đi mang mùi hương của thuốc Đông Y tràn ngập con phố thuốc Lãn Ông, của mùi trầm hương trong không gian đình, đền, mùi tre nứa của phố Hàng Vải. Không khí buổi chiều thu Hà Nội với nhịp sống thường ngày của thành phố là thứ chỉ có thể cảm chứ khó có thể diễn tả.

Chuyến đi khép lại tại ngôi nhà số 14 phố Chả Cá, nhà hàng Chả Cá Lã Vọng nức tiếng Hà Thành, không chỉ bởi món chả cá trứ danh, mà còn vì lối kiến trúc cổ vô cùng đặc biệt. Những người bạn tham gia đều hào hứng với chuyến đi, để lại email đề nhận thư mời sự kiện hàng tháng từ Hội Những người bạn của di sản Việt Nam. Chắc hẳn họ sẽ còn hội ngộ trong nhiều chuyến đi ngang dọc khắp phố cổ của FVH trong tương lai./

15.11.2022

Bài viết: Nguyệt Cầm thực hiện cho VFCD 2022
Ảnh: Đan
Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.