Thử “Nói” Bằng Xé Dán Giấy

Có khi nào bạn “mắc nói” mà không có người lắng nghe, ngôn ngữ chưa thể diễn đạt trọn vẹn điều đang diễn ra bên trong bạn, mà lại không giỏi vẽ?

Đây là tâm trạng mà Võ Nguyễn Ánh Tú – Tú Táo Tợn, điều phối viên workshop “Khám phá bản thân bằng ngôn ngữ Collage” – đã từng gặp. Khi ấy, Tú đã tìm đến collage – xé dán giấy – để vừa được thỏa sức kể câu chuyện của mình, vừa được “chơi” với hình ảnh. Trong workshop diễn ra ngày 19/11, Tú chia sẻ lịch sử hình thành và phát triển của hình thức nghệ thuật này cũng như một số phương thức để ai cũng có thể tự chơi, như dùng thơ dada, bullet journal… Các khán giả tham gia workshop sau đó có thời gian thỏa sức khám phá câu chuyện riêng của bản thân bằng một tác phẩm xé dán giấy ngẫu hứng từ vật liệu có sẵn: giấy báo, giấy màu, tờ rơi, sách, truyện tranh, tạp chí… Hoạt động này không chỉ khiến các em nhỏ hứng thú mà còn “cuốn” cả người lớn vào cùng sáng tạo.

Ở phần hai của workshop, các bạn chia thành ba nhóm và cùng làm một tác phẩm lớn với chủ đề: Tại sao cần có giáo viên mầm non? Với chủ đề này, Tú bật mí rằng anh đã không chuẩn bị những nguyên vật liệu có liên quan tới “cô giáo” hay “học sinh mầm non” để các đội không bị giới hạn khả năng sáng tạo. Ba đội hoạt động rất sôi nổi với những ý tưởng có thể quen thuộc nhưng lại được diễn đạt bằng cách thức hoàn toàn khác.

Trên thực tế, Collage (Xé/cắt dán) là một kỹ thuật rất giàu tiềm năng phát triển. Thông qua quá trình tìm kiếm, thu thập, sắp xếp, xé/cắt và dán các vật liệu đa dạng, ta có thể hình dung và thể hiện thế giới trong tưởng tượng; khám phá mối liên kết giữa những yếu tố ngẫu nhiên và thực hành nghệ thuật đa phương tiện. Vì vậy làm việc với collage, giáo viên hay cha mẹ sẽ có thêm cảm hứng và những tìm tòi thú vị với vật liệu, hình ảnh, bố cục, đồng thời có thêm trải nghiệm với quá trình khám phá, sáng tạo vốn diễn ra liên tục ở trẻ em trong các lớp học mầm non. Một số người tham dự chia sẻ rằng họ thấy thích thú với kĩ thuật này, trước đây có nghe tới nhưng không biết rằng nó lại có thể mở rộng và kích thích sáng tạo như vậy.

Kết thúc workshop, ba đội hoàn thành ba bức tranh khổ lớn, với những suy nghĩ/quan điểm khác nhau, trả lời cho câu hỏi Tại sao cần giáo viên mầm non? Võ Nguyễn Ánh Tú hi vọng kĩ thuật đơn giản này sẽ giúp mọi người khám phá bản thân,”thấy cái mà mình không thể thấy bằng mắt và không diễn tả bằng lời” và tiếp tục thực hành nó trong tương lai.

Nếu bạn đã tham gia workshop này của VFCD đồng tổ chức với VIRES, đừng quên xem lại hành trình ngày hôm đó trong những bức ảnh dưới đây và gửi phản hồi cho chúng tôi qua khảo sát ngắn sau nhé: https://bit.ly/3tIP7a3

23.11.2022

NGƯỜI VIẾT
Hà Bi