Thông Điệp Ẩn Sau Những Thực Hành Sáng Tạo Của Triển Lãm “Mind & Machine”

Triển lãm Mind & Machine, hay Trí tuệ và Công nghệ, thuộc chuỗi sự kiện Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo Việt Nam năm 2023, trưng bày các tác phẩm sáng tạo đến từ các nghệ sĩ, thể hiện góc nhìn hiện tại và tương lai về mối quan hệ giữa máy móc và trí óc con người.

09 tác phẩm có mặt trong triển lãm Trí tuệ & Công nghệ – VFCD 2023 tại TP. HCM và TP Hà Nội là 09 câu trả lời mạnh mẽ cho câu hỏi: Liệu trí tuệ nhân tạo có thay thế con người trong quá trình sáng tạo? Các nghệ sĩ đều ứng dụng tối đa các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện có, từ phổ biến như ChatGPT, Python, cho tới phức tạp hơn như công nghệ thực tế tăng cường (AR), thuật toán MIDAS, Pytorch (nền tảng học máy)… trong việc xây dựng và phát triển các tác phẩm. Với mỗi tác phẩm, khán giả được trải nghiệm, tương tác trực tiếp và phần nào tự mình tìm ra câu trả lời thông qua các thực hành thực tế và sâu sắc. 

Tuy nhiên, đâu là các ý niệm và thông điệp ẩn sau các tác phẩm mà các nghệ sĩ muốn truyền tải? Đâu là nguồn cảm hứng, câu chuyện mà nghệ sĩ muốn đưa tới người xem? Hành trình trải nghiệm nào đã được định sẵn? Và tại sao?

Hãy cùng chúng mình đi tìm thông điệp ẩn sau mỗi thực hành sáng tạo qua tuyên ngôn nghệ sĩ ở từng tác phẩm nhé!

Sống Xa Ở Gần
2023

Andrew Stiff
1964
Vương Quốc Anh

Becky Lu
1985
Vương quốc Anh

Sống Xa Ở Gần khám phá cuộc sống đời thường trên và xung quanh Kênh Tẻ. Các tác phẩm thực tế tăng cường (AR) mô tả những khoảnh khắc chuyển giao, từ đời sống riêng tư, nghi lễ và thói quen đến những phô bày công khai. Dự án công nhận văn hóa chung trong những không gian đời thường của TP.HCM. Dự án này được phát triển bởi Becky Lu và Andy Stiff, với sự cộng tác của các cựu sinh viên khóa Nghiên cứu Thiết kế của RMIT. Dự án là một phần của the River Cities Network, một nền tảng nghiên cứu toàn cầu nhằm khám phá mối quan hệ giữa mạng lưới sông và đời sống bên trong thành phố.

Kênh Tẻ được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, chia làng Khánh Hội thành hai khu. Một nửa trở thành Quận 4, phần còn lại nằm ở Quận 7. Các tác phẩm được thiết kế để có thể nhìn từ cả hai phía của con kênh, cho thấy sự gắn kết giữa cư dân và các nơi của Tp.HCM.

*Tác phẩm nghệ thuật có nhúng mã QR cũng như bản đồ AR để sử dụng ở các vị trí thuộc Quận 4 / Quận 7

TrótTin_AI | TrustIn_AI
2022

Cẩm-Anh Lương 
1988
Buôn Ma Thuột, Việt Nam

Các thuật toán có thể bị sai lệch theo nhiều cách. Hệ thống AI học cách đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đào tạo, có thể bao gồm các quyết định chủ quan của con người hoặc phản ánh sự bất bình đẳng trong lịch sử hoặc xã hội. Điều này có thể dẫn đến sự tồn tại lâu dài của những thiên kiến trong việc ra quyết định.

Khi các nghi thức lễ hội đại diện cho việc đăng quang và tương ứng là tước vương miện của một vị vua/nữ hoàng/người nắm giữ quyền lực, liệu AI có thể đại diện cho việc trao vương miện cho quyền lực không? Hầu hết các tìm kiếm, cuộc trò chuyện, bí mật, hy vọng, nhu cầu và sự tôn thờ của chúng ta đều có thể bắt đầu bằng một câu hỏi dành cho AI. Tác phẩm “TrótTin_AI” (TrustIn_AI) nhằm mục đích đặt câu hỏi về độ tin cậy của AI, liệu chúng ta có thể tin tưởng AI nhiều như chúng ta đặt câu hỏi về tính tin cậy vào tín ngưỡng, phong tục, truyền thống của tổ tiên chúng ta hay không. Ví dụ, ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên liên quan đến việc tin rằng bạn có thể giao tiếp với tổ tiên thông qua một hầu đồng.

Bằng cách tạo ra sự tương đồng giữa AI và tín ngưỡng truyền thống, “TrótTin_AI” gợi lên suy ngẫm về những thành kiến ​​tiềm ẩn của thuật toán cũng như tác động của chúng đối với tin tức và nguồn thông tin mà con người sản xuất. Sử dụng hình ảnh, văn từ tạo bởi AI cùng với Touch Designer, tác phẩm sắp đặt sẽ nhận diện cơ thể người và kiến tạo ra hiển thị phác đồ trình chiếu tương tác (projection mapping) có hình dạng trừu tượng dựa trên một tệp dữ liệu cụ thể. Tệp dữ liệu này được tổng hợp từ các chủ đề tín ngưỡng, các lễ, và các hội từ đó tạo ra các ngôn từ, ý tưởng suy nghĩ và cảm xúc tương ứng mà không theo bất kỳ cấu trúc phân cấp nào. “TrótTin_AI” nhằm mục đích xóa mờ ranh giới giữa thế giới vật chất và kỹ thuật số, tạo ra trải nghiệm giải trí và kích thích tư duy, khuyến khích đối thoại xung quanh chủ đề lễ hội.

Người xem được mời trở thành một phần tác phẩm bằng cách thực hiện các cử chỉ cá nhân như dâng lễ, thờ cúng hoặc các phong tục khác mà họ thực hành cùng với trải nghiệm riêng. Sự tham gia này thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa AI và niềm tin của con người, mở ra một cách nhìn khác về cách mà hai thực thể dường như rời biệt này có thể tương tác.

Tất Cả Những Nơi Tôi Từng Sống | All the Places I Have Lived 
2023

Christian Berg
1979
Bonn, Đức

“Tất cả những nơi tôi từng sống” khám phá khái niệm về nhà từ góc nhìn của một người phương Tây di cư đến châu Á. Trong loạt ảnh này, Christian Berg thăm lại những khu dân cư khác nhau ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, nơi anh từng sống trong suốt một thập kỷ rưỡi qua. Dù cảm nhận được thành phố như một mái ấm của mình, cảm giác chưa bao giờ hoàn toàn là một phần của xã hội Việt Nam đưa nhận thức của anh tới một không gian thứ ba. Sử dụng AI để tạo ra những kí ức không có thật về quá trình di chuyển nơi ở của mình, anh huấn luyện AI dựa trên những bức ảnh anh chụp và từ đó tái tạo lại hình ảnh lại những khu dân cư để biến nó trở thành một phần trong tiểu sử của bản thân. Đôi khi, đó là một cái bóng kỳ lạ hoặc hướng ánh sáng bất khả, làm lộ ra sự tính không thật của những ký ức này, đôi khi là dấu vết tạo tác của AI hoặc bầu trời ảo, hoặc những gì thoạt nhìn giống như các chữ cái nhưng chẳng có gì khác ngoài vô nghĩa khi nhìn gần. Những kỷ niệm này gợi lên nỗi nhớ ngọt ngào cay đắng. Nhưng chúng không bao giờ là thật.

Để tạo ra cảm giác méo mó sâu sắc hơn trong ký ức, anh sử dụng tính chất nhiễu. Mỗi hình ảnh đều được truyền vào ký ức về địa điểm mà nó đại diện. Thông qua cộng tác với ChatGPT, anh ấy đã tạo ra một công cụ trong Python, được gọi là “Memory Infuser”, tạo ra hiệu ứng nhiễu trong JPG, dựa trên kiểu nhập văn bản và được phủ lên hình ảnh. Công cụ này được thiết lập một chiều theo và chỉ tạo ra hình ảnh độc nhất. Nếu văn bản thay đổi, hình ảnh sẽ thay đổi.

Trên cả Dệt may: Phát triển những sáng kiến vật liệu của tương lai | Beyond Textiles: Crafting Tomorrow’s Material Innovations
2022 – 2023

Donna Cleveland 
1975
New Zealand

Cheryl Prendergast
1978
Ireland

Chào mừng bạn đến với ‘Trên cả Dệt may: Phát triển những sáng kiến vật liệu của tương lai.’ Đây là một chuỗi tác phẩm mang tầm nhìn tiên phong, hé màn cho một sự hội tụ đột phía giữa nghề thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến, phá vỡ những rào cản của ngành dệt may mà chúng ta đã biết. Đặt trọng tâm vào đổi mới bền vững, sự kiện tái định nghĩa chất liệu thông qua những thực hành sáng tạo với chất liệu nhựa sinh học, da kombucha, nhuộm tự nhiên với thực phẩm thừa và dệt may đúc nhiệt. Kết hợp với những đổi mới sáng tạo của sinh viên theo học khóa Thời trang Công nghệ dệt may tại RMIT, các tác phẩm đưa người xem vào một hành trình đắm chìm giữa những vật liệu tiên tiến của tương lai và mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc về thiết kế dệt may cũng như sự giao thoa đầy năng động giữa nghề thủ công và đổi mới sáng tạo. Hãy tham gia cùng chúng tôi và trực tiếp trải nghiệm những khả thể tại giao điểm giữa trí tưởng tượng, công nghệ và thiết kế bền vững.

Vật liệu của Tương lai: Nhựa sinh học và Da kombucha – Khám phá tương lai của dệt may qua phần trưng bày vật liệu làm từ nhựa sinh học và da kombucha. Những vật liệu sáng tạo này đại diện cho bước chuyển đổi mạnh mẽ tiến tới bền vững trong ngành thời trang và dệt may. Khảo sát vai trò quan trọng của công nghệ trong việc tạo ra những chất liệu thân thiện với môi trường thay thế cho vật liệu dệt may truyền thống. Quan sát tiềm năng đáng kinh ngạc của những chất liệu này khi thay thế các vật liệu thông thường, mở ra một lựa chọn độ lượng và có trách nhiệm hơn đối với hành tinh của chúng ta.

Bảng màu của Thiên nhiên: Nhuộm tự nhiên từ Thực phẩm thừa – Đắm chìm vào thế giới rực rỡ của vải dệt được nhuộm bằng những nguyên liệu tự nhiên từ thực phẩm thừa. Phần trưng bày này tôn vinh sự kết hợp hoàn mỹ giữa thiên nhiên và công nghệ, tại đó rác thải có một sứ mệnh mới trong việc tạo ra những màu sắc lộng lẫy. Khám phá cách công nghệ của chính thiên nhiên giúp trích xuất sắc tố từ thực phẩm thừa, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy thực hành bền vững. Chứng kiến cách tiếp cận này đã làm thế nào để biến vật liệu dệt may thành bức tranh với những màu sắc và hoa văn tuyệt đẹp.

Kiến tạo Tương lai: Định hình Vật liệu dệt may với Nhiệt và Hơi nước – Bước vào thế giới của chuyển đổi vật liệu dệt may với phần trưng bày chất liệu dệt đúc bằng nhiệt và hơi nước. Tiến bộ công nghệ đã mở ra tiềm năng cho những thiết kế vật liệu may tinh xảo, giàu chi tiết mà chúng ta không thể sản xuất được trước đây. Khám phá xem nhiệt và hơi nước đã được sử dụng như thế nào để tạo hình vải thành những hình thù đầy thú vị. Chứng kiến hiệu quả tiết kiệm về mặt tài nguyên của quá trình này khi giảm thiểu lượng rác thải từ quá trình sản xuất và đặt nền tảng cho một tương lai bền vững hơn trong thiết kế dệt may.

Nghệ thuật của Thiên nhiên: Thử nghiệm làm Vải dạ từ Sợi Tự Nhiên – Trải nghiệm nghệ thuật đầy cuốn hút của vật liệu dệt may tạo ra từ thử nghiệm làm vải dạ từ sợi tự nhiên. Phần trưng bày này triển lãm sự cân bằng tinh tế giữa nghề thủ công truyền thống và đương đại được thực hiện dưới sự dẫn dắt của công nghệ. Khám phá cách công nghệ tinh chế và nâng cao kỹ thuật làm mềm sợi, tạo ra những vật liệu dệt may tinh xảo với cảm hứng từ thiên nhiên. Những tác phẩm này là ví dụ về sự kết hợp giữa những phương pháp được lưu truyền qua thời gian và những đổi mới hiện đại, mang đến một góc nhìn về sự sáng tạo vô hạn tại giao điểm giữa thiên nhiên và công nghệ.

Human Learning | Người Học, Học người 
2021

Nguyễn Hoàng Giang
1989
Hà Nội, Việt Nam

Lịch sử nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) được biểu thị bởi khát vọng chế tạo những cổ máy hoạt động và hành xử giống con người. Tuy nhiên, khi máy móc (dần dà) trở nên thông minh và (nhìn chung) sẽ thông minh hơn con người. Một loạt câu hỏi nên được đặt ra, chẳng hạn như: Liệu con người có thể học từ máy móc không? Nếu có thể, thì con người học-làm-máy hay học-làm-người (từ máy)? Ý nghĩa của việc con người học hỏi từ máy móc là gì? Tại sao con người cần phải học hỏi từ máy móc?

Để trả lời những câu hỏi này, tôi mời 4 diễn viên cùng nhau học từ máy. Họ được xem cái video về robot hoặc tác tử AI thực hiện các hoạt động thể chất, té ngã và cố gắng đứng dậy để đá bóng. Những diễn viên này được yêu cầu bắt chước những chuyển động trong chuỗi video và biên đạo lại hành vi của robot theo diễn giải của riêng họ. Một trải nghiệm lý thú và đầy bất ngờ. Một số diễn viên đã “phát minh” ra chuyển động mới bằng cách kết hợp những gì họ học được từ máy móc. Tác phẩm Người học, Học người không chỉ tìm cách ghi lại quá trình này, mà còn mở ra mường tượng về một tương lai nên máy móc và con người chung sống, cùng sáng tạo và học hỏi lẫn nhau.

Just-in-case | Dự phòng
2023

Trần Thảo Miên
1991
Hà Nội, Việt Nam

“Dự phòng” mô phỏng màn hình của trạm chơi game nhập vai với màn hình cong bao quanh ghế như một cuộc trò chuyện giữa thế giới AI dường như hoàn hảo và sự sáng tạo không hoàn hảo của con người. Giấy can – một chất liệu từ sợi vỏ cây từng là chìa khóa để sao chép chính xác các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế sắp bị công nghệ thay thế – được dùng để truyền tải cuộc trò chuyện của Miên với ChatGPT về việc lập bàn thờ thần cây và kết quả hình ảnh do Adobe Firefly tạo ra. Đối diện là chiếc bàn thờ thủ công được làm bằng lịch năm tái chế, một biểu tượng ghi chép thời gian của loài người, cộng hưởng với nghiên cứu và góc nhìn của Miên về tục thờ cây đang ngày một mai một. “Dự phòng” đặt câu hỏi về cách chúng ta bảo tồn và phục hồi các tập quán văn hóa trong kỷ nguyên AI.

Bàn thờ có thể gập lại được, trọng lượng nhẹ, dễ dàng cất vào hộp để mang theo trong trường hợp khẩn cấp.

Between Two Worlds | Giữa Hai Thế Giới
2023

Hà Châu Bảo Nhi
1995
Huế, Việt Nam

Những nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phải mất vài chục năm để máy tính có thể thực hiện những nhiệm vụ mà một đứa trẻ làm một cách bản năng. Chẳng hạn, việc nhận diện hình dáng hay khoảng cách. Mặc dù quá trình nghiên cứu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng máy tính vẫn chưa thể tái hiện cách con người ta cảm nhận thế giới xung quanh. Điều này giải thích tại sao công nghệ lái xe tự động vẫn chưa thể thay thế người lái hoàn toàn. Máy tính vẫn chưa thể tự phân biệt người qua đường, vật thể trên đường, hoặc đo khoảng cách và chiều rộng/ sâu một cách thuần thục như con người. Vì vậy, nghiên cứu machine learning đóng vai trò quan trọng trong phát triển những giải pháp hiện tại và tương lai của chúng ta.

Trong tác phẩm này, Hà Châu Bảo Nhi sử dụng machine learning để máy tính có thể nhận diện hình dáng của con người và xác định khoảng cách. Nhờ đó, máy tính tạo ra một không gian ảo tương đương với thế giới thực mà chúng ta tồn tại. Bằng cách này, ta có thể thấy được máy tính “nhìn” và “nghĩ” về thế giới bên ngoài như thế nào, nó khác biệt với thế giới của con người ra sao.

Tại sao phải dùng machine learning chỉ để phản chiếu con người giống như chiếc gương, một nhiệm vụ mà máy ảnh dường như có thể thực hiện dễ dàng? Khi chúng ta nhìn vào một bức ảnh, chúng ta tự nhiên có khả năng phân biệt người và vật, xác định ai ở trước, ai ở sau. Nhưng máy ảnh không có khả năng này. Nó chỉ là một công cụ thu thập hình ảnh bằng cách tập trung ánh sáng lên bề mặt tấm phim và ghi lại hình ảnh thông qua phản ứng hóa học. Máy ảnh cung cấp dữ liệu hình ảnh thô mà não bộ của chúng ta tự xử lý. Và, dĩ nhiên, máy tính không thể tự động xử lý thông tin hình ảnh này nếu thiếu sự hỗ trợ của machine learning.

Với thuật toán MIDAS, chương trình xác nhận được người xem đang đứng xa hay gần, từ đó máy tính tự tạo ra một chiều không gian ảo tương đương với không gian thật. Dùng Pytorch (nền tảng học máy) để thực hiện phân loại hình ảnh trong thị giác máy tính, nhờ đó máy tính có thể nhận biết được con người, nó sẽ tự động đổi màu của người thành màu trắng, nổi bật giữa nền không gian – điều mà không có machine learning, máy tính không thể thực hiện được.

Chúng ta có thể thấy rằng những việc đơn giản ta làm một cách vô thức, thực tế đã đòi hỏi máy tính phải trải qua một quá trình phát triển đáng kể để đạt được trình độ hiện tại. Điều này cho thấy dù machine learning đã đạt được nhiều thành công, não bộ của con người vẫn thực sự rất kỳ diệu.

Chơi để bảo tồn quá khứ | Play to Preserve the Past
2023

Bùi Quỳnh Như
1998
TPHCM, Việt Nam

Chơi để bảo tồn quá khứ là sự hội tụ của hai thế giới – di sản Việt Nam của tôi và cam kết vững chắc trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta thông qua thực tế tăng cường (AR).

Trong thời đại đô thị hóa và toàn cầu hóa nhanh chóng, các quốc gia như Việt Nam đang chứng kiến sự xói mòn các di sản phi vật thể vô giá của mình. AR đóng vai trò là phương tiện đưa khán giả vào trái tim của văn hóa Việt Nam. Chuỗi ứng dụng Play to Preserve the Past mang đến những trải nghiệm văn hóa sống động, thu hẹp khoảng cách không gian và thế hệ, giới thiệu hình ảnh đương đại về truyền thống Việt Nam tới khán giả quốc tế, đồng thời tái hiện lại những câu chuyện của Việt Nam thông qua những khía cạnh ít được biết đến từ di sản chúng ta.

Tính hiện đại đã thay đổi cách chúng ta tổ chức các lễ hội theo thời gian và trong thời đại kỹ thuật số này, khi thiết bị di động trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc này đặt ra câu hỏi: làm cách nào di sản văn hóa của chúng ta có thể phát triển với công nghệ AR, trở thành một di sản sống của riêng nó? Hành trình này không chỉ đơn thuần là theo đuổi học thuật mà là hành trình nội tâm phản ánh sự tiến bộ của con người trong thời đại công nghệ thống trị.

Đứng ở thời điểm quan trọng nơi truyền thống phát triển cùng với công nghệ, chúng ta phải tìm cách nắm bắt và thể hiện nghệ thuật và văn hóa của mình một cách chân thực. Công việc này hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người thực hành sáng tạo trở thành “tổ tiên tương lai” có trách nhiệm, đảm bảo số hóa bền vững di sản của họ.

Im·persona·tion
2023

Behalf Studio
2017
Hà Nội, Việt Nam

“Liệu AI Sẽ Thay Thế Những Người Lao Động Sáng Tạo?”

Đây là câu hỏi được Behalf tiếp cận trong quá trình tạo ra bộ nhận diện hình ảnh cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2023. Behalf trả lời câu hỏi này bằng cách nhấn mạnh bản chất không thể thay thế trong khả năng sáng tạo của con người, trong đó AI chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc thực thi và nâng cao tầm nhìn sáng tạo đó. Để đáp lại một cách hài hước và có chủ đích, nhóm đã hợp tác với AI để tạo ra một nhân vật/đại diện kỹ thuật số, gọi là “ người làm sáng tạo do AI tạo ra”.

Dự án bao gồm phát triển một hệ thống thiết kế song song với sử dụng ChatGPT để phác đồ dữ liệu nhận thức phức hợp — từ những đặc điểm tính cách như hướng ngoại/hướng nội đến phong cách tư duy và cách tiếp cận, lấy cảm hứng từ nghiên cứu của J.P. Guilford và Edward De Bono — thành những đặc điểm đơn giản của nhân vật ảo với tên gọi là “Persona”. Hệ thống sử dụng lập trình sáng tạo trong môi trường 3D, cho phép người xem tạo Persona của riêng mình thông qua một loạt câu hỏi và tương tác với nó bằng cách sử dụng tính năng theo dõi chuyển động.

Việc diễn dịch dữ liệu, dù vẫn giữ nguyên tính tổng quan, nhưng về cơ bản là một sáng tạo nghệ thuật thông qua thiết kế tạo sinh và phỏng đoán. Tác phẩm chính là lời đáp của Behalf cho câu hỏi ban đầu, khẳng định vai trò tất yếu và không thể thay thế của chủ thể sáng tạo trong mọi tác phẩm.

12.12.2023

Chii Nguyễn