The Sun Lab Ft Nguyễn Huyền Châu: Muốn Dự Án “Sống” Không Chỉ Đẹp, Mà còn bền vững

Năm thành viên của đội cuối cùng trong sân chơi lần này là đội duy nhất có hồ sơ ghép cặp và xây dự án mới toanh từ đầu. Khó khăn của họ bắt đầu ngay sau khi nhận tin lọt tiếp vào vòng trong sân chơi Thách thức Sáng tạo. Nhưng có lẽ chính điều đó khiến hành trình của họ trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.

Làm gì khi một thành viên xin rút?

Nhận tin được lọt vào vòng trong sân chơi Thách thức Sáng tạo – VFCD 2022, nhưng Quỳnh Giao ngay lập tức có chút lo lắng khi dự án ban đầu chị đề xuất không được chấp thuận. Chị sẽ phải hợp tác với một cặp đôi khác “cùng hoàn cảnh”: Duy Anh và Huyền Châu, đến từ Hà Nội, một thành phố cách chị gần 2000km.

Ngay lập tức, Quỳnh Giao lên mạng tìm hiểu về Duy Anh và Huyền Châu, tính tới các phương án hợp tác khác khi thấy lĩnh vực chuyên môn của hai người này… chẳng hề ăn nhập gì với mình. Nhưng đồng thời, Giao cũng rất phấn khích khi nghĩ đến một sự kết hợp chưa từng có giữa game và… họa tiết đan lát (!).

Dù vậy, khó khăn tiếp tục xuất hiện khi Duy Anh vì không sắp xếp được thời gian nên quyết định rút lui. Quỳnh Giao biết mình cần sự hỗ trợ, nên đã đề xuất thay đổi tư cách thành viên từ “cá nhân” thành “nhóm”. The Sun Lab, nơi chị và 03 thành viên khác đang hợp tác ăn ý, cùng Nguyễn Huyền Châu, chính thức trở thành một đội.

Một số sản phẩm Quỳnh Giao và The Sun Lab thực hiện, có thể thấy thế mạnh của team là thiết kế sản phẩm từ nguyên vật liệu bền vững.

Hoàn toàn không biết gì về nhau, chưa từng cộng tác trước kia, nhưng phải cùng xây một dự án mới toanh trong vòng ba tháng, trong khi khoảng cách địa lý là một trở ngại không hề nhỏ. Khi các đội khác đã có trong tay một bản kế hoạch hoặc ý tưởng sản phẩm tương đối chi tiết, thì The Sun Lab và Châu mới bắt đầu “xin chào” làm quen qua màn hình máy tính.

Sản phẩm ứng dụng nguyên liệu và kỹ thuật bản địa

Thế nhưng, sau hơn hai tuần làm việc, nhóm 05 người cũng đã cho ra định hướng ứng dụng nguyên liệu bản địa và các hoa văn truyền thống – thế mạnh của hai trưởng nhóm Quỳnh Giao – Huyền Châu.

Huyền Châu lại mạnh về xây dựng doanh nghiệp có tác động xã hội, truyền thông và có sự quan tâm đặc biệt tới các hoa văn truyền thống. Chính điểm chung này đã gắn kết chị với The Sun Lab.

Theo đó, sản phẩm cuối cùng sẽ là một bộ kit bao gồm các vật liệu đan lát tự nhiên và bền vững, cùng các hướng dẫn giúp người sử dụng dễ dàng tạo ra các tác phẩm với họa tiết truyền thống. Người dùng có thể sử dụng để thư giãn sau giờ làm việc, học tập nhằm tác dụng giảm căng thẳng và tăng sự tập trung, đồng thời rèn luyện sự kiên trì và tính sáng tạo. 

Với việc sản xuất sản phẩm này, nhóm mong muốn thu hút sự chú ý của giới trẻ với các kĩ thuật đan lát xưa cũ, một giá trị truyền thống mà các cách tiếp cận, truyền thông hiện nay vô hình trung lại đem đến cách nhìn còn hơi bảo thủ, ít hấp dẫn. Khi sự quan tâm của người trẻ tới truyền thống được giải quyết, thì đây có thể sẽ là giải pháp sinh kế cho các làng nghề truyền thống với nguồn nguyên liệu bản địa bền vững dồi dào, nhưng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. 

“Mong muốn của team là tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao, không chỉ chú trọng vào khai thác thẩm mĩ, hình khối, mà còn gián tiếp hoặc trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội, như kích thích người trẻ quan tâm tới truyền thống, nguồn vật liệu tự nhiên bền vững, giải quyết sinh kế cho những người bám nghề…” – hai leader Quỳnh Giao và Huyền Châu cho biết. 

Nhiều thử thách, nhưng đầy ngẫu hứng và khác biệt, không biết The Sun Lab và Nguyễn Huyền Châu sẽ xây dựng dự án này như thế nào, phát triển sản phẩm ra cộng đồng ra sao? Hãy cùng VFCD theo dõi hành trình của 05 cô gái này và tham dự sự kiện triển lãm của họ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay nhé!  

(Hình ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp).  

The Sun Lab 

Năm ra đời: 2021

Lĩnh vực hoạt động: Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, chụp ảnh sản phẩm.

Vị trí trong dự án: Quỳnh Giao – thiết kế sản phẩm, Nhật Khánh – thiết kế không gian triển lãm, Phương Khanh – thiết kế đồ họa và hình ảnh, Nguyên Sa – thiết kế UI cho không gian lưu trữ họa tiết đan online.

Nhóm The Sun Lab gồm 04 cô gái: Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, Phan Nguyễn Phương Khanh, Nguyễn Trần Nhật Khánh, Lưu Nguyễn Nguyên Sa. Ước mơ của 04 cô gái trẻ là một ngày nào đó không xa sẽ đủ tài chính mở studio thiết kế riêng. “Và để làm được điều đó, bây giờ phương châm của tụi mình là ‘một cây làm chẳng nên non, bốn cây chụm lại cùng nhau đi cày’. Lao động là vinh quang!

Trong đó, Quỳnh Giao là nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp (Industrial Designer), phụ trách nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu bền vững và quản lý dự án. Phương Khanh là thiết kế đồ họa – họa sĩ vẽ minh họa (Graphic Designer/Illustrator), “chuyên trị” hình ảnh hóa các ý tưởng thành hiện thực. Nhật Khánh là nghệ sĩ 3D (3D Artist), đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất. Còn Nguyên Sa chuyên về thiết kế đồ họa kĩ thuật số (Graphic Designer/Digital Artist), tự nhận là một người ưa thích khám phá cái mới và không sợ thử thách.

04 cô gái này đã cùng nhau thực hiện khá nhiều dự án, với điểm mạnh về đa dạng thiết kế và khả năng ứng dụng các nguyên vật liệu địa phương/truyền thống vào sản phẩm cao.

Nguyễn Huyền Châu

Năm sinh: 1986

Lĩnh vực hoạt động: Thương mại và quản lý dự án có tác động xã hội

Vị trí trong dự án: Cố vấn chuyên môn và kết nối cộng đồng

Nguyễn Huyền Châu có hơn 15 năm hoạt động xã hội với các dự án như Xây Trường Cho Em, Action 4 Lùng Tám… cùng các chương trình hỗ trợ năng lực cho cộng đồng người yếm thế khác. Chị từng được trao học bổng tham dự khoá đào tạo “Năng lực lãnh đạo trong thiết kế cộng đồng bền vững” tại Nhật Bản; là đồng sáng lập CA’ Library (thư viện đầu tiên ở Hà Nội chuyên về nghệ thuật và kiến trúc); sáng lập và điều hành VAN•HOA, công ty giải pháp sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa.

Với chuyên môn khác hẳn 04 cô gái The Sun Lab, nền tảng của chị nghiêng về thị trường, thương mại và quản lý dự án có tác động xã hội. Tuy vậy, Huyền Châu sớm nhận thấy nền tảng văn hoá là một nguồn lực tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, nên từ 2017 chị đã nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố mang tính văn hóa truyền thống, làng nghề để tìm kiếm giải pháp phát triển lâu dài. Với những điểm chung và điểm riêng này, Huyền Châu sẽ là “một nửa” cần thiết hỗ trợ The Sun Lab trong quá trình phát triển dự án.

06.09.2022

NGƯỜI VIẾT
Bi Xu