fbpx

THẬT HƯ – LẬT NGƯỢC ĐỊNH KIẾN VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH QUA VIỆC “CẢI BIẾN” CHIẾC CHỔI LÔNG GÀ

Đến với Creativity Challenge 2022, nhóm tác giả Trần Thảo Miên và Linh Trịnh mang đến ý tưởng phát triển chuỗi tác phẩm sắp đặt Thật Hư lấy cảm hứng từ chiếc chổi lông gà. 

Chiếc chổi lông gà vốn dĩ có công dụng phủi bụi và quét mạng nhện. Tuy nhiên, qua cách dạy con “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, các phụ huynh Á Đông đã trao cho chổi lông gà một chức năng mới, “đánh đòn” hơn là “quét dọn”! Lối sống duy trì hàng trăm năm này vô tình gán chiếc chổi lông gà với biểu tượng của bạo lực gia đình. 

Với Thật Hư, nhóm nghệ sĩ sẽ cách điệu thiết kế của vật dụng, biến chiếc chổi thành tác phẩm trưng bày mang tính chất mềm mại và duyên dáng hơn, loại bỏ đi những ý nghĩa tiêu cực. Thay 1 chiếc chổi lông gà truyền thống thẳng thớm, chắc chắn bằng 1 chiếc chổi thanh mảnh chạm trổ kỳ công, như để nhắc nhở các bậc phụ huynh về việc dạy dỗ con cái phải nhẹ như lông hồng, duyên dáng kiên nhẫn như lớp sơn son khảm bạc. Thay thân chổi bằng tre thẳng cứng bằng thanh trúc/mây mảnh khảnh, có tính đàn hồi cao để nhắc nhở tính cư xử mềm dẻo trong gia đình. 

Thay thân chổi bằng tre thẳng cứng bằng thanh trúc/mây mảnh khảnh để nhắc nhở tính cư xử mềm dẻo trong gia đình.

Vật liệu làm nên tác phẩm được ưu tiên đến từ các làng nghề truyền thống như Triều Khúc (nổi tiếng với nghề làm chổi từ lông vũ), Hạ Thái (sơn mài) hay Đại Bái (đúc đồng và bạc),… thể hiện hy vọng của nhóm tác giả về tương lai sáng tạo bền vững về văn hoá bản địa, thực hiện thiết kế hiện đại bằng các kỹ thuật thủ công truyền thống. 

Mặt khác, Thật Hư đồng thời tái hiện và làm sáng tỏ hình tượng, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam khiêm tốn nhưng mạnh mẽ, đảm đang mọi việc lớn nhỏ trong nhà, hơn là tính cách ưa quát mắng chồng con cũng như hình tượng châm biếm “bún mắng”, “cháo chửi” đang được nhìn nhận gần đây. Thật Hư sẽ là một phần của Góc Tĩnh – Tại (Giải Nhất và Giải Khán giả bình chọn tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020) – một góc nhà đại diện cho không gian sống hiện đại của người Việt. Trong Góc Tĩnh Tại (gồm bàn trà, chiếu và bình phong vốn cũng là những sản phẩm gắn liền với người Việt được phát triển với thiết kế mới), người phụ nữ ấy lả lơi, thư giãn trên chiếu nhưng tay cầm “Thật Hư” chỉ đạo mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nếu gia chủ qua hình ảnh người đàn ông cứng rắn và nghiêm nghị như chiếc phản gỗ, thì người nữ gia chủ trong mắt Sonson gợi cảm sau tấm màn thưa với cây chổi nhẹ nhàng, êm ái nhưng vẫn đầy quyền lực. Vật dụng trang nhã này sẽ là lời nhắc nhở về lối sống văn minh, nơi bạo lực nhường chỗ cho sự thấu hiểu. Điều này thể hiện triết lý Đạo giáo linh hoạt và hài hòa đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt.

NS Trần Thảo Miên & NTK Linh Trịnh làm việc với các chất liệu thủ công truyền thống

Cặp đôi tác giả có kế hoạch sản xuất một loạt vật mẫu, mỗi mẫu sẽ là sự kết hợp của ít nhất hai kỹ thuật thủ công truyền thống.“Thật hư” vừa lộ liễu vừa ý nhị, dí dỏm trào phúng với nhiều tầng lớp nghĩa, nhưng cũng gửi gắm mong mỏi về cách ứng xử trong gia đình, về vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Bằng cách thêm các giá trị mới vào một vật dụng hàng ngày đang dần bị lãng quên, nhóm nghệ sĩ mong muốn bắt đầu một chu trình bền vững trong việc thiết kế truyền thống trong tương lai và làm sâu sắc thêm sự trân trọng của cộng đồng đối với nghệ thuật và thiết kế.

Thật hư” vừa lộ liễu vừa ý nhị, dí dỏm trào phúng với nhiều tầng lớp nghĩa, nhưng cũng gửi gắm mong mỏi về cách ứng xử trong gia đình, về vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Hiện tại, nhóm tác giả đang hoàn thiện phần ý tưởng và dự kiến sẽ bắt tay vào phần sản xuất vào đầu tháng 09. 

Nghệ sĩ Trần Thảo Miên

Năm sinh: 1991

Lĩnh vực hoạt động: Nghệ thuật thị giác, thiết kế, xử lý chất liệu vải

Trần Thảo Miên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế vải tại Đại học Nghệ thuật London năm 2013. Cô làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Anh và tại Hà Nội trước khi đồng sáng lập Collective Son Son vào năm 2020, với mục tiêu tạo ra một không gian sống sáng tạo, bền vững.

Trong nghệ thuật, Mien khám phá vai trò của các cá thể sinh vật trên Trái Đất dựa trên niềm tin lâu đời của người Việt “Vạn vật hữu linh”. Các tác phẩm nghệ thuật của cô “trong suốt như sự chân thành của tôi dành cho thiên nhiên, mềm mại và êm ái, hướng đến sự mượt mà và không bị gò bó, giống như nước.

Nhà thiết kế Linh Trịnh

Năm sinh: 1990 

Lĩnh vực hoạt động: Nghệ thuật thị giác, thiết kế

Linh Trịnh tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Lasalle chuyên ngành thiết kế truyền thông năm 2012. Các thiết kế ứng dụng của cô chú trọng vào tính bền vững và sự hoà hợp giữa con người – cộng đồng – thiên nhiên. Với nguồn cảm hứng lớn là văn hoá và tri thức bản địa của đồng bào miền núi, Linh tìm hiểu về in thủ công và nhuộm vải tự nhiên và truyền tải thông qua các sản phẩm của Collective Sonson.

Các khán giả quan tâm hãy cùng VFCD theo dõi và cập nhật những thông tin mới nhất về quá trình tham gia Thách thức Sáng tạo 2022 của dự án thú vị này nhé!

04 / 09 / 2022

NGƯỜI VIẾT
Nguyệt Cầm