Tầm nhìn của VFCD 2020 – Phỏng vấn cùng Giáo sư Julia Gaimster

Tầm nhìn của VFCD 2020 – Phỏng vấn cùng Giáo sư Julia Gaimster

Giới thiệu:

RMIT Việt Nam đóng vai trò tiên phong khởi xướng nên Liên hoan Sáng tạo & Thiết Kế Việt Nam, với sự đồng hành của UNESCO, VICAS và COLAB Việt Nam. Đâu là tầm nhìn và động lực cho Liên hoan này? Cuộc phỏng vấn dưới đây cùng TS. Julia Gaimster, Trưởng Khoa Truyền thông & Thiết kế, Trưởng Khoa Khoa học & Công nghệ sẽ mang tới khán giả những chia sẻ đầy cảm hứng.

Điều gì đang chờ đón chúng ta tại VFCD 2020? So với năm ngoái, có gì mới trong mùa liên hoan năm nay?

Năm nay liên hoan mở rộng phạm vi tổ chức với nhiều hoạt động sáng tạo hơn – bao gồm cả biểu diễn và âm nhạc – chúng tôi cũng muốn biến sự kiện trở thành một liên hoan toàn quốc tập trung vào 3 thành phố lớn – Hà Nội, Huế và TP. HCM. Phần lớn các hoạt động trong liên hoan sẽ được phát trực tuyến để đông đảo khán giả có thể theo dõi, đồng thời diễn giả từ nước khác – như Úc – cũng có thể tham dự sự kiện.

Nếu giới thiệu VFCD cho một người chưa từng biết tới liên hoan này, bà sẽ mô tả sự kiện này như thế nào?

Liên hoan là “nơi tụ hội” của những người quan tâm tới văn hóa và sáng tạo – cả truyền thống và đương đại – tại Việt Nam. Sự kiện nhằm tôn vinh sự sáng tạo của Việt Nam và cũng là cơ hội để kết nối mọi người và khám phá những tri thức kinh nghiệm mới, đồng thời thảo luận về tương lai của sáng tạo tại Việt Nam.

Chủ đề ‘sáng tạo và thiết kế’ có ý nghĩa như thế nào với cá nhân bà nói riêng và với VFCD nói chung?

Giữa sáng tạo và thiết kế có mối liên hệ nhưng cũng có trọng điểm khác nhau – mọi khía cạnh trong đời sống thường nhật của chúng ta đều cần sự sáng tạo – trong công nghệ, kinh doanh cũng như trong nghệ thuật. Thiết kế trong bối cảnh này hướng tới việc xem xét tính thẩm mỹ, hình thức và chức năng của những sự vật xung quanh ta, được ta sử dụng. Liên hoan này tôn vinh những thiết kế đã được cân nhắc kỹ lưỡng – khi các vấn đề truyền thống – đổi mới cũng như tính bền vững được cẩn thận suy xét trong quá trình thiết kế.

Theo bà, tại sao VFCD lại quan trọng với Việt Nam?

Các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam – để cạnh tranh trên trường quốc tế, Việt Nam cần phải trau dồi và thể hiện tài năng mình đang có, đồng thời tạo cơ hội để những tài năng đó được công nhận cả trong và ngoài nước. Các cá nhân thường gặp khó khăn trong việc tạo tiếng vang và được công nhận thành quả – tổ chức một liên hoan toàn quốc có quy mô lớn là phương thức tuyệt vời để tạo tác động mạnh mẽ và quảng bá đất nước. Trong thời kỳ ổn định, các lễ hội thu hút khách du lịch và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bản sắc văn hóa của một quốc gia. Chúng tôi hy vọng rằng liên hoan này sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức toàn cầu để “được sản xuất tại Việt Nam” trở thành “được sáng tạo – cải tiến và thiết kế tại Việt Nam”.

RMIT khởi xướng liên hoan cho ‘sáng tạo/truyền thông/thiết kế’ với quan điểm như thế nào và tại sao?

RMIT có buổi triển lãm thường niên cho các tác phẩm của sinh viên trường trong suốt 5 năm qua, nhưng quy mô chỉ gói gọn trong khuôn viên trường. Chúng tôi mong muốn tham gia cùng cộng đồng trong nước, không chỉ giới thiệu tài năng của sinh viên trường mà còn kiến tạo một diễn đàn cho các tổ chức văn hóa – sáng tạo tại địa phương. Chúng tôi quyết định khai mạc liên hoan tại Hà Nội vì hai lý do – lí do đầu tiên là để chào mừng chương trình đào tạo thiết kế đầu tiên của trường tại Hà Nội, và thứ hai là bởi tại thời điểm đó, Hà Nội vừa nộp hồ sơ để trở thành Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế thuộc Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO – do vậy đây là sáng kiến tới rất đúng thời điểm.

Cảm ơn bà vì những chia sẻ hữu ích.

26.10.2020

STORY BY
HNGV