Sự Giao Thoa Của Thơ Với Nhiều Hình Thức Khác Trong Thực Hành Nghệ Thuật

Sáng 12.11, tại không gian quen thuộc Complex 01, Toạ đàm “Thơ, dòng chảy thơ trong văn hóa đương đại” đã diễn ra với sự tham gia của những khán giả yêu thơ. Một buổi đối thoại vừa đầy ắp kiến thức đa ngành, vừa mang nhiều nét thi vị và khơi gợi cảm hứng.

Dù tọa đàm mang tên “thơ”, kết nối với các khán giả bằng “thơ”, phạm vi bàn luận của buổi tọa đàm có thể nói đã có độ phủ rộng hơn thế rất nhiều. “Dòng chảy thơ” mà tọa đàm đề cập là ẩn dụ nguồn cảm hứng đặt trong nhiều hình thái nghệ thuật khác nhau; do đó, cuộc đối thoại với 04 diễn giả qua sự dẫn dắt của nhà thơ và phê bình phim Nguyễn Vũ Hiệp không chỉ định hình thơ, mà còn mở rộng để tìm về những vấn đề căn nguyên của nghệ thuật và cảm nhận nghệ thuật.

Tiến sĩ Đinh Minh Hằng với phần trình bày “Thơ hiện đại – những dạng thức” đã mở màn buổi tọa đàm bằng cách khơi mở tư duy cảm nhận thơ và nghệ thuật đương đại. Đối với thơ, cách đọc thơ cũ khi chỉ quan tâm thơ kể câu chuyện gì đã không còn phù hợp với thơ đương đại khi thơ ca tiệm cận hội họa, xóa nhòa ranh giới với các nghệ thuật khác. Để hiểu thơ đương đại, do đó chỉ có thể cảm nhận với một tư duy mở. Chị cũng đề cập đến sự chuyển giao tới nghệ thuật đương đại qua các thời kỳ để rồi đúc rút ra quan niệm: “Không phải mọi thứ đều là nghệ thuật nhưng mọi thứ đều có thể là nghệ thuật”.

Nghệ sĩ thị giác mi-mimi đem tới những tác phẩm mình đã thực hiện, ẩn hiện trong đó là chất liệu thơ: video quay ngẫu hứng với tiếng đọc thơ kết hợp với âm thanh bối cảnh, hay các mảnh giấy chị “vẽ” “thơ hồng”. Các tác phẩm đã cho khán giả thấy sự xâm nhập, đan xen giữa các hình thái với nhau trong nghệ thuật khi người nghệ sĩ thực hành thơ mọi lúc mọi nơi, không ngừng tìm tòi, thử nghiệm các biểu hiện khác nhau để kể câu chuyện của mình.

Nhiếp ảnh gia Duy Phương thể hiện chất thơ trong nghệ thuật nhiếp ảnh tư liệu của mình. Anh luôn định hình các tác phẩm của mình là tư liệu, là chất thật nhưng lại chứa trong đó chất thơ, nét thi vị. Cuộc sống đối với anh vốn đã mang chất thơ, nhiệm vụ của anh là đem chất thơ đó vẹn nguyên vào trong tác phẩm. Phong cách nhiếp ảnh của anh một nửa là dàn dựng, một nửa là tư liệu, tạo ra những tác phẩm rất thú vị, có dàn dựng mà lại tưởng như ngẫu nhiên.

Nghệ sĩ MYAN dẫn dắt người tham gia đi vào bên trong người nghệ sĩ với mối liên kết giữa thơ, nhiếp ảnh, video như một tự sự đa phương tiện với cuốn sách thơ và hình ảnh “6s.10M.Khoảnh khắc()Dịch chuyển”. Qua những bài thơ ngắn với sự sắp xếp hình ảnh và con chữ, ký hiệu, ký tự khéo léo, câu chuyện những “khoảnh khắc” trong chuyến “dịch chuyển” tại châu u của nghệ sĩ MYAN đến với khán giả một cách tự nhiên, đầy cảm hứng.

Tại phần thảo luận với các diễn giả, các khán giả đã có dịp đào sâu hơn nữa về thơ và về nghệ thuật. Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Vũ Hiệp đã gợi mở các trao đổi về chủ đề về phương tiện, phương thức thực hành nghệ thuật, về thi hứng – cảm hứng của người nghệ sĩ. Người tham gia cũng đưa ra thắc mắc về điểm giao, điểm phân biệt giữa thơ với các hình thái nghệ thuật khác cũng như việc các nghệ sĩ có ám ảnh với việc phải diễn giải ý tưởng tác phẩm hay không.

Cuộc trao đổi khơi mở những góc nhìn và cảm hứng thú vị trong nghệ thuật, kết lại với ý tưởng thực ra cảm hứng, cái ám ảnh thực ra là một điều rất tự nhiên; và rằng một tác phẩm khi đến với khán giả sẽ mang một hình thái khác, không hề nằm trong dự tính của người nghệ sĩ, nhưng đó chính là điều tạo nên sự phong phú trong nghệ thuật.

15.11.2022

Bài viết: Nguyệt Cầm thực hiện cho VFCD 2022
Ảnh: Đan
Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.