NGÀY 03 CỦA HỘI THẢO ‘SÁNG TẠO: YẾU TỐ THAY ĐỔI CỤC DIỆN’: Dấn thân và đi đến cùng

Ngày 03 của Hội thảo ‘Sáng tạo: Yếu tố thay đổi cục diện’ đã diễn ra trên nền tảng trực tuyến của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, với sự tham gia của bốn cựu sinh viên Đại học RMIT Việt Nam – họ hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau từ khi ra trường nhưng đều đã có những thành công nhất định trên con đường của bản thân. Qua những chia sẻ chuyên sâu và những kinh nghiệm hữu ích, bốn diễn giả gợi mở rất nhiều suy nghĩ và cảm hứng cho người nghe – về vai trò ‘tối quan trọng’ của sự sáng tạo, sự ‘dấn thân’, không ngại rủi ro, và về việc đi đến tận cùng một con đường.

*

“Học sai ngành không phải là vấn đề quá quan trọng” 

Mở đầu chương trình là phần trò chuyện với Nguyễn Thiện Toàn, đồng sáng lập Ngũ Hành Games (NHG) – một studio sáng tạo chuyên về phát triển các board game dựa trên vốn văn hóa và lịch sử Việt Nam. NHG ra đời cuối năm 2018 khi Toàn cùng một người bạn nghỉ việc ở một công ty tài chính và muốn biến đam mê board game của mình thành một dự án khởi nghiệp. Thời điểm đó, họ nhận thấy sự thiếu vắng của một sản phẩm kể những câu chuyện Việt Nam gần gũi, trong bối cảnh bản thân thị trường board game còn rất non trẻ và xa lạ với công chúng; rất nhiều nhà đầu tư cũng không dám dấn thân, có người còn nghĩ đây là một ‘trò bài bạc’. Bắt đầu hoàn toàn từ con số không, NHG buộc phải vận dụng sự sáng tạo để tìm những quy trình và cơ chế hoạt động riêng, để có thể thuyết phục được khách hàng và đối tác sử dụng, phân phối, bán và chia sẻ sản phẩm của mình. Quá trình này được Toàn ví von hài hước, là một sự ‘làm đại’. Anh chia sẻ: “khi tìm giải pháp cho một vấn đề chưa gặp phải bao giờ, giải pháp có thể tốt, có thể không, nhưng đúng hay sai thì chỉ có thể làm mới biết được.”

Nguyễn Thiện Toàn, Đồng sáng lập Ngũ Hành Games

Quả vậy, NHG không ngừng vận động: có khả năng cao bạn sẽ thường gặp Toàn và đội ngũ điều hành NHG ở các quán café boardgame, trò chuyện trực tiếp và giao lưu cùng người chơi. Sau gần hai năm, các boardgame của NHG đều có được sự nhìn nhận nhất định, đa phần từ các bạn trẻ học cấp ba hay đại học; dù khen dù chê, những đánh giá và góp ý đều giúp NHG có thể phát triển các sản phẩm tốt hơn, với tầm nhìn là vươn ra quốc tế. Toàn cho biết: “Trong thời gian tới NHG sẽ chú trọng nhiều hơn vào hình ảnh, câu chuyện, nội dung, cách vận hành game, tạo ra nhiều tầng lớp để người chơi có thể nghiên cứu sâu hơn.” Hiện tại, NHG đã ra mắt ba bộ sản phẩm Lên Mâm lấy cảm hứng từ ẩm thực Việt; Hội Phố được đặt trong bối cảnh Hội An thế kỷ 17; hay Kinh Lược, xoay quanh giai đoạn khai khai khẩn xứ Đàng Trong, hay Nam Bộ ngày nay.

Dù được đào tạo về tài chính và có một công việc trong ngành này sau khi tốt nghiệp RMIT, Toàn ‘dấn thân’ vào con đường mới nhờ đam mê với văn hóa Việt Nam và board game. Toàn cũng chia sẻ một góc nhìn tích cực cho sự thay đổi con đường mình đi: “Việc học tài chính giúp mình hệ thống hóa và định hình suy nghĩ. Khi áp dụng logic và sự chính xác vào trong công việc làm board game bây giờ mình thấy bổ trợ được rất nhiều. Đó là sự sáng tạo trong khuôn khổ của logic, để giúp mình đảm bảo là không vượt quá giới hạn, không rơi vào sự lan man vô định.. Việc học một ngành rồi làm một ngành khác là hoàn toàn bình thường – học sai ngành không phải là vấn đề quá quan trọng, quan trọng là bạn có làm sai ngành hay không.”

*

“Sự sáng tạo nào cũng cần phải có thực hành”

Jo Lam là cựu sinh viên RMIT Việt Nam chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp (Professional Communications). Năm 2014, không lâu sau khi ra trường Jo sáng lập Jamlos, thương hiệu túi xách canvas rất được ưa chuộng hiện nay nhờ sự đa dạng và gần gũi của các sản phẩm. Jo coi túi xách hay ba lô không đơn giản chỉ là một vật dụng, mà là một người bạn đồng hành giúp người dùng thể hiện cá tính và kể câu chuyện của họ. Về công năng, chất liệu vải canvas cũng như phong cách thiết kế năng động của Jamlos đáp ứng được nhu cầu của dân sáng tạo, vốn di chuyển nhiều và cần sự linh hoạt trong cách sắp xếp hay tổ chức công việc: “Có thể ta không biết sẽ cần dụng cụ hay đồ vật nào cho công việc hôm đó, nhưng một chiếc túi xách sẽ giúp ta đựng cả thế giới khi bước ra khỏi nhà”.

Jo Lam, Sáng lập Jamlos

Tinh thần năng động của Jamlos được thể hiện qua cách Jo phát triển các sản phẩm: dựa trên cảm hứng từ những điều thường nhật nhất (giấy gói bánh mì, hộp sữa, hoa quả v.v.) và những ý tưởng cô ghi chép chi tiết vào sổ mỗi khi dành thời gian quan sát thế giới xung quanh. Theo Jo, việc quan sát này giúp ta khám phá nhiều điều thú vị không ngờ đến, giúp cho sự nuôi dưỡng và trau dồi các ý tưởng. Nhưng đồng thời, bản thân một ý tưởng tốt mới chỉ là nửa câu chuyện: “Sự sáng tạo nào cũng cần phải có thực hành, phải hiện thực hóa và làm sản phẩm mẫu, đừng chỉ dừng lại ở ý tưởng. Chỉ có làm thì mới biết được giới hạn của bản thân và của ‘đề bài’ là ở đâu. Chất liệu sáng tạo sẽ không bao giờ hết, nó sẽ chỉ hết khi mình ngừng sáng tạo.”

Jo cũng đưa ra một nhận định rất thú vị trước câu hỏi của MC rằng liệu gánh lo ‘cơm áo gạo tiền’ có ngăn trở tiềm năng sáng tạo trong mỗi người. Cô phân biệt giữa ‘sáng tạo ứng dụng’ và ‘sáng tạo nghệ thuật’, và cho rằng khi hiểu rõ về đích đến cho những sáng tạo của mình, sự sáng tạo sẽ càng phát huy hiệu quả và giúp ta vượt qua những rào cản trong suy nghĩ. Tương tự, một lời khuyên Jo dành cho các bạn trẻ liên quan đến việc xác định rõ tính chất công việc của mình để từ đó có một ‘chiến thuật’ hợp lý: “Phải xác định được rằng, nếu chấp nhận rủi ro thì hãy cứ đi con đường mình muốn; còn nếu không chấp nhận rủi ro, thì phải loại bỏ một số thứ mình muốn làm với sản phẩm”.

*

“Trải nghiệm, và rút kinh nghiệm”

Trước khi chính thức trở thành nhà biên kịch tự do, Nguyễn Thị Minh Châu là một sinh viên ngành Thiết kế Số tại Đại học RMIT Việt Nam. Châu cho rằng chính ngành học này đã giúp cô trau dồi các kỹ năng có thể áp dụng trực tiếp vào công việc thiết kế của mình, như góp phần truyền tải ý tưởng tốt hơn đến cộng sự hay khách hàng thông qua các bản phác thảo hay video. Nhờ vậy mà cô có được nhiều lợi thế về sáng tạo so với những biên kịch thuần về viết lách. Tư duy và thẩm mỹ thiết kế tươi mới và hiện đại được Châu cùng ê-kíp áp dụng trong một số video âm nhạc tạo tiếng vang lớn thời gian gần đây – như Để Mị nói cho mà nghe và Kẻ cắp gặp bà già của Hoàng Thùy Linh, và Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy. Mỗi video là một câu chuyện nhiều màu sắc được gợi cảm hứng từ văn hóa và lịch sử đất nước – như ‘vũ trụ văn học Việt Nam’ với vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, cậu Vàng, Xuân Tóc Đỏ…. trong Để Mị nói cho mà nghe, hay câu chuyện về những nhân vật lịch sử một thời (Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu) trong Không thể cùng nhau suốt kiếp.

Nguyễn Thị Minh Châu, Biên kịch tự do

Với Châu, để chuẩn bị cho mỗi dự án cô có những giai đoạn tiền kỳ có thể kéo dài đến gần hai năm, với rất nhiều nỗ lực học hỏi và nghiên cứu dày công nhiều nguồn tư liệu. Tuy nhiên, Châu cho biết, trải nghiệm cá nhân và những cảm xúc từ trong mỗi người cũng là điều tối quan trọng: “Người làm sáng tạo phải có trải nghiệm cá nhân, để có thể đưa cái tôi của mình vào công việc sáng tạo. Đồng thời, các bạn trẻ nên va chạm với nhiều người, để biết đâu là những kiểu người có thể làm việc với mình tốt nhất, hay có thể là động lực cho mình phát triển kể cả khi mình không hợp với họ. Đây là những điều các bạn trẻ sẽ không thể học được trong sách vở. Tóm lại: trải nghiệm, và rút kinh nghiệm.”

*

“Không có con đường nào là con đường dễ dàng” 

Chính sự trải nghiệm các môi trường và công việc khác nhau giúp Nguyễn Trần Vân Thủy cuối cùng biết được mình muốn cống hiến cho điều gì. Ở thời điểm tưởng như ‘có tất cả’ khi điều hành một công ty riêng tại Anh Quốc, nhưng rồi những tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam ở đây – không ít người đã trả một số tiền lớn để qua Anh làm những công việc vất vả và kể cả bất hợp pháp, trong điều kiện sống nhiều nguy hiểm, thậm chí có người đã qua đời (như một trường hợp Thủy tiếp xúc) đã khiến Thủy quyết định quay về Việt Nam để giúp ích cho đất nước và những người kém may mắn hơn. Cô thành lập Bobi Craft, một công ty sản xuất đồ chơi thủ công chất lượng cao cho trẻ em, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 400 nhân công, chủ yếu là phụ nữ nội trợ, lao động thời vụ, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam…

Nguyễn Trần Vân Thủy, Sáng lập Bobi Craft

Tầm nhìn của Bobi Craft là tạo ra những sản phẩm Việt Nam có thiết kế đẹp, sáng tạo và mang các giá trị nhân văn, để góp phần thay đổi các quan niệm rằng sản phẩm Việt Nam chỉ ‘rẻ tiền và chất lượng thấp’. Thủy hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của sự sáng tạo, từ những ngày đầu ‘mò mẫm’ ở xuất phát điểm là một trong những công ty trong nước đầu tiên phát triển ngành thủ công thành hệ thống theo chuẩn quốc tế – cho đến khi Bobi Craft đã có sự công nhận từ thị trường và người tiêu dùng, với các sản phẩm được đánh giá cao trên thế giới. “Sáng tạo là thứ duy nhất có thể giúp mình tốt hơn và tạo ra thương hiệu,” cô chia sẻ. “Bobi Craft không có một mô hình có sẵn để đi theo, mà nếu có thì người khác cũng có thể đi theo. Vậy nên làm sao thoát được các lối mòn? Muốn khác biệt thì chỉ có cách là phải suy nghĩ khác biệt. Càng khó càng phải nghĩ những cái mới hơn, thú vị hơn.” Cũng như hai diễn giả còn lại trong chương trình, Thủy hướng đến sự vận dụng linh hoạt những cảm hứng và tư duy từ những ngành nghề khác. Trong tương lai, Bobi Craft dự định tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo cho đồ chơi thông minh (smart toy), hay có những sản phẩm vừa là thú nhồi bông lại vừa có thể làm lạnh để chườm cho em bé – những chi tiết nhỏ, nhưng tạo ra điểm nhấn riêng cho Bobi Craft. Khi được MC chương trình hỏi về bí quyết có thể nảy sinh các ý tưởng thú vị này, Thủy nhấn mạnh: “Để tìm ra sự khác biệt cho mình, các bạn trẻ chỉ có cách phải tự thực hành, tự cố gắng. Sử dụng quá nhiều công nghệ có thể hạn chế sự sáng tạo, khiến con người lười biếng đi trong suy nghĩ. Nếu thực sự đam mê và có niềm tin thì phải cố gắng đi đến cùng. Không có con đường nào là con đường dễ dàng.”

07.12.2020

NGƯỜI VIẾT
Trần Duy Hưng