Một Vòng Quanh Triển Lãm Trí Tuệ & Công Nghệ – VFCD 2023 Tại Tp. HCM

09 tác phẩm có mặt trong triển lãm Trí tuệ & Công nghệ – VFCD 2023 tại TP. HCM là 09 câu trả lời mạnh mẽ cho câu hỏi: Liệu trí tuệ nhân tạo có thay thế con người trong quá trình sáng tạo? Các nghệ sĩ đều ứng dụng tối đa các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện có, từ phổ biến như ChatGPT, Python, cho tới phức tạp hơn như công nghệ thực tế tăng cường (AR), thuật toán MIDAS, Pytorch (nền tảng học máy)… trong việc xây dựng và phát triển các tác phẩm. Ở đó, phần nào chúng ta tìm ra được câu trả lời thông qua các thực hành thực tế và sâu sắc. 

Tác phẩm Just-in-case (Dự phòng) của nghệ sĩ Trần Thảo Miên và All the Places I Have Lived (Tất cả những nơi tôi đã từng sống) của nghệ sĩ Christian Berg có điểm chung là sử dụng Chat GPT để khởi tạo các cuộc bàn luận sâu giữa người và máy, qua đó thử “kiểm tra trình độ” của AI về thế giới. Đứng đằng sau những cuộc trò chuyện thông minh này vẫn là sự điều khiển của người nghệ sỹ, thông qua đó gán tạo những ý nghĩa mới cho những kí ức tưởng chừng đã cũ, sắp bị lãng quên. Ngược lại, tác phẩm Human Learning (Người học, học người) của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang và tác phẩm sắp đặt tương tác bao trùm TrótTin_Al của nghệ sĩ Cẩm Anh Lương lại lật ngược vấn đề: chúng ta thường thấy máy móc bắt chước con người, vậy theo chiều ngược lại thì sao, con người liệu có học lại được gì từ máy móc? Trong một thế giới “tin AI”, liệu AI có thay thế các niềm tin khác? Các tác phẩm tạo ra những cuộc đối thoại, phản biện đa chiều mà ở đó, chân dung AI, chân dung con người hiện lên rất rõ nét.

Cùng với đó là tác phẩm tương tác được rất nhiều bạn trẻ yêu thích: Im-persona-tion của Behalf Studio. Bạn chỉ cần quét mã thao tác và đứng vào đúng vị trí, màn hình sẽ “xuất” ra một “nhân vật” Persona nhiều màu sắc đại diện cho tính cách của bạn. Tác phẩm khởi nguồn từ câu hỏi “Liệu AI Sẽ Thay Thế Những Người Lao Động Sáng Tạo?”, phát sinh trong quá trình Behalf xây dựng bộ nhận diện hình ảnh cho Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2023. Quá trình con người tương tác với máy móc đã nhấn mạnh bản chất không thể thay thế trong khả năng sáng tạo của con người, trong đó Al chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc thực thi và nâng cao tầm nhìn sáng tạo mà thôi. 

Bên cạnh những tác phẩm đặt câu hỏi về tính khả tín của AI và mối quan hệ của chúng với sáng tạo, thì cũng có những nghệ sĩ ứng dụng công nghệ để làm công việc lưu trữ, bảo tồn. Như nghệ sĩ Như Bùi sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường mang đến các lễ hội văn hóa đã và đang có nguy cơ mai một, nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua tác phẩm Play to preserve the past (Chơi để bảo tồn quá khứ); hay tác phẩm Live Far Stay Close (Sống Xa Ở Gần) của Andrew Stiff và Becky Lu đưa người xem “nhảy cóc” tới ngồi chơi ở lề đường Quận 7 và Quận 4, quan sát những bàn ghế, nhà cửa, đường sá… và cả những khoảnh khắc chuyển giao, đời sống riêng tư, nghi lễ và thói quen ngay trong không gian triển lãm. 

Tác phẩm Between Two Worlds (Giữa Hai Thế Giới) của Hà Châu Bảo Nhi thì lại giúp người xem nhận ra bản thân con người là một công trình kì diệu của tạo hóa. Bằng thuật toán MIDAS và Pytorch (nền tảng học máy), Hà Châu Bảo Nhi “giúp” máy móc xác định một ai đó đang đứng gần hay xa mình, khoảng cách bao nhiêu, đây là ai, họ có đặc điểm gì nổi trội… – một điều mà con người được “trời ban”, chỉ mất một vài năm tuổi đã có thể thành thạo, nhưng với máy móc thì mất tới hàng chục năm nghiên cứu. 

Cuối cùng, công trình nghiên cứu Beyond Textiles: Crafting Tomorrow’s Material Innovations (Trên cả Dệt may: Phát triển những sáng kiến vật liệu của tương lai) của Donna Cleveland và Cheryl Prendergast – hai giảng viên cùng nhóm sinh viên Đại học RMIT mở ra một thế giới vải vóc đầy thú vị: những con giấm trà Kombucha lại có thể tạo thành một chiếc áo, vật liệu nhựa sinh học có thể đem lại nhiều sự lựa chọn may mặc khác nhau, và dệt may đúc nhiệt, nhuộm tự nhiên có thể sáng tạo những tác phẩm vô cùng lộng lẫy. Tại đó, công nghệ đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra vật liệu bền vững mới, nhưng đồng thời cũng có thể nhìn thấy vị trí của con người vững chắc như thế nào trong toàn bộ hành trình sáng tạo. 

Giám tuyển Nguyễn Hải Nam cho rằng: “Với vô vàn khía cạnh của cuộc sống làm nền tranh, triển lãm đi sâu vào các không gian cả thực và số, khám phá tác động của công nghệ lên tôn giáo, trải nghiệm khả thể của ký ức và bảo tồn văn hóa thông qua kỹ thuật số hóa. Mỗi tác phẩm trưng bày mời khách tham quan hoàn toàn đắm chìm, tương tác với nghệ thuật và tận hưởng trải nghiệm. Tuy vậy, dưới vẻ bề ngoài đó là những khoảnh khắc khuyến khích sự suy ngẫm, khơi dậy câu hỏi về cách chúng ta định hướng cuộc đời giữa kỷ nguyên số này”.

Đó cũng là điều mà Trí tuệ & Công nghệ nói riêng và Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) nói chung mong muốn gợi mở ở những người tham gia, không chỉ qua các tác phẩm trong triển lãm, mà còn qua các hoạt động tọa đàm, trò chuyện, workshop phong phú khác. 

Cùng đón chờ VFCD mùa thứ 5 xuất hiện ở Hà Nội nhé!


22.11.2023

Hà Bi