Lưu Trữ Dữ Liệu: Ghi Chép Quá Khứ Để Xây Dựng Tương Lai

Lưu trữ và hệ thống hoá dữ liệu là một công việc cần thiết đối với bất kỳ dự án, cơ quan tổ chức nào, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, chia sẻ, học hỏi. Lưu trữ là một nhiệm vụ mà Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam cũng rất quan tâm. Trong phạm vi khả năng của mình, mỗi mùa, VFCD lại cố gắng có một “kho chứa” dữ liệu để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển cộng đồng sáng tạo nói riêng, và là nguồn tư liệu học thuật giá trị cho công chúng nói chung.

Khó khăn khi tìm nguồn lưu trữ

Là những người làm trong ngành sáng tạo, Bùi Bảo Trâm (thành viên cặp đôi sáng tạo của VFCD 2022 – nhóm Insomaniaction Collective – một nhóm cũng hướng tới xây dựng kho dữ liệu sáng tạo trong tương lai) cũng không ít lần gặp khó khăn và tốn kém về mặt thời gian khi tìm kiếm thông tin cũ. “Nhiều thông tin được lưu trữ online dễ tiếp cận nhưng độ uy tín và xác thực không cao. Mình phải tìm hiểu ở nhiều nguồn, liên hệ với những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm để kiểm chứng” – Trâm cho biết.
Một thách thức thực tế khác là vấn đề bản quyền của dữ liệu. Cặp đôi sáng tạo The Sun Lab – Nguyễn Huyền Châu (có mong muốn xây dựng thư viện họa tiết trực tuyến cho dự án Sống) gặp khó khi tiếp cận và chia sẻ mẫu đan từ phía làng nghề. Kỹ thuật xử lý sợi mỗi nơi mỗi khác và cũng là lợi thế cạnh tranh riêng, nên cũng dễ hiểu khi nghệ nhân lo ngại về việc ‘bị sao chép’ và ‘bị mất nghề’, dù việc chia sẻ có thể mang đến nhiều lợi thế trong tương lai.

Các cặp đôi sáng tạo làm việc và lưu trữ dữ liệu về dự án của mình trong sân chơi Thách thức Sáng tạo – VFCD 2022.


May mắn hơn hai nhóm trên, cặp đôi sáng tạo Officine Gặp và HUM trong quá trình làm dự án Crafting a Sonic City tìm được một kho lưu trữ âm thanh khả dụng, miễn phí, chất lượng cao của các thành phố trên thế giới, bao gồm Hà Nội và Sài Gòn. Kho âm thanh này do một người nước ngoài thu thập, và đã trở thành nguồn cảm hứng lớn với cả nhóm. “Nếu một âm thanh nào đó biến mất khỏi kho lưu trữ của chúng tôi trong 10 năm, điều đó có nghĩa là thứ gì đó từng là một phần bản sắc của thành phố đã biến mất. Tôi nghĩ rằng sẽ thú vị và phù hợp hơn nếu coi ‘lưu trữ’ là hành động khám phá lại một thứ hơn là việc thu thập mọi thứ một cách có hệ thống và ám ảnh” – Afra Rebuscini, đại diện Officine Gặp chia sẻ.

Trên thực tế, một kho lưu trữ dữ liệu chi tiết và đủ bao quát là giấc mơ của rất nhiều nghệ sĩ, cá nhân không chỉ làm việc trong các ngành sáng tạo, mà còn cả các ngành nghề khác. Nó không chỉ là một kho thông tin khổng lồ cho người truy cập được tiếp cận với các tác phẩm và thu thập thông tin một cách chính xác, tránh tam sao thất bản. Mà hơn thế, kho dữ liệu còn có thể sử dụng để nghiên cứu, đánh giá tác động, giúp người xem nhìn thấy quá trình vận động của sự vật sự việc, lưu giữ các chỉ dấu liên quan để người dùng dễ dàng truy khảo, đưa ra các cảnh báo cần thiết để tránh khỏi các rủi ro hay hiểm nguy… Từ đó, những dữ liệu “cũ” có khả năng đem đến những ý tưởng “mới” cho người làm sáng tạo, đồng thời tiết kiệm một khối lượng lớn thời gian, công sức, tài chính cho các bên.

Nhận định về điều này, anh Bung Trần, chủ tịch AI Education Group, thành viên hội đồng cố vấn VFCD 2022 chia sẻ thêm: “Ngành công nghệ thông tin coi ‘dữ liệu là dầu mỏ mới của nền kinh tế’, đó là thực tế cuộc sống”. Với anh, dữ liệu là nguyên liệu để người đời sau kế thừa và phát triển từ những gì người đi trước đã xây dựng. Nó cũng là một thành tố quan trọng trong vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, việc lưu trữ dữ liệu tốt cũng là cơ hội gìn giữ, khôi phục các yếu tố văn hoá đang dần bị mai một.

Với tầm quan trọng đó, lưu trữ dữ liệu là việc làm không thể thiếu, dù bạn đang thực hiện một dự án nhỏ và nghiệp dư, hay dự án lớn mang tầm thế giới. Bởi “lưu trữ tạo ra lịch sử, lịch sử tạo ra tương lai” – trích nhận định của nhà báo Trương Uyên Ly, giám đốc Hanoi Grapevine, thành viên hội đồng cố vấn VFCD 2022.

Bắt đầu từ mỗi cá nhân

Trên thực tế, ở Việt Nam, việc lưu trữ và hệ thống hóa dữ liệu cho nghệ thuật sáng tạo mới bắt đầu được chú ý và chưa hình thành một hệ thống rộng lớn. Cũng đã xuất hiện một số ít cá nhân, nhà sưu tập và tổ chức nghệ thuật sáng tạo đã có tầm nhìn xa, chú trọng vào việc lưu trữ dữ liệu từ nhiều năm trước, nhưng những kho dữ liệu này lại nằm rải rác và công chúng chưa biết đến nhiều. Dữ liệu “cứng” (chưa số hóa) vẫn còn khá nhiều, khiến người tìm hiểu phải mất công sức để tìm kiếm thông tin. Ví dụ như Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) với kho đĩa phim bản quyền lên tới 1500 phim, cùng hàng trăm phim truyện ngắn, phim tài liệu ngắn… khác do thế hệ trẻ Việt Nam sản xuất, hoàn toàn miễn phí cho bất kì ai cần tra cứu, xem phim. Tuy nhiên, nếu bạn không ở Hà Nội thì khó lòng truy cập thư viện lớn này.

Một bản mẫu thử của cặp đôi sáng tạo The Sun Lab – Nguyễn Huyền Châu. Có thể thấy các bạn ý thức rõ về việc lưu trữ, thể hiện ở việc ghi chú thời gian thực hiện và chụp hình sản phẩm trong suốt quá trình. Ảnh: The Sun Lab.

Hanoi Grapevine cũng là một cái tên thường được nhắc tới mỗi khi ai đó cần tìm kiếm thông tin về sự kiện nghệ thuật đương đại của Việt Nam kể từ cuối những năm 2000 cho đến nay. Trang web này có thông tin của nhiều sự kiện lớn nhỏ, một số trong đó còn được phân tích và tổng hợp dưới góc nhìn đương đại từ những cây viết uy tín. Nhưng từ khi thành lập đến nay, Hanoi Grapevine vẫn chỉ là công sức của một nhóm nhỏ, “tự cung tự cấp”, thiếu nhiều nguồn lực để thực hiện việc lưu trữ toàn diện, đầy đủ hơn.

Dù vậy, trên thực tế, trước khi chờ đợi có một hệ thống lưu trữ quy củ mang tầm quốc gia, có lẽ mỗi cá nhân sáng tạo cần “làm việc của mình” trước. Giống như nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật Việt Nam) đều đặn tham dự các sự kiện nghệ thuật đương đại, chụp ảnh, ghi chép, hệ thống lại và chuyển về Viện Mỹ thuật, dù công việc không có thù lao, cũng không bắt buộc thực hiện. Hay với những người có tiềm lực tốt hơn thì xây dựng các kho lưu trữ tư nhân giá trị lớn. Đơn cử như bộ sưu tập cá nhân của nhà sưu tập Natalia Kraevskaia, hiện có 8.300 hồ sơ nghệ thuật đương đại, trong đó có 4.992 hồ sơ đã được giới thiệu trực tuyến; lưu trữ nhiều hình ảnh, hồ sơ nghệ sĩ, tuyên ngôn nghệ thuật… Những dữ liệu này bà thu thập bằng tiền cá nhân từ năm 1990 đến nay [1].

Google Arts & Culture, một kho lưu trữ trực tuyến đáng tham khảo với chất lượng thông tin cao. Ảnh chụp màn hình.

Một ví dụ về lưu trữ cá nhân tốt là cặp đôi sáng tạo The Sun Lab – Nguyễn Huyền Châu trong sân chơi Thách thức Sáng tạo – VFCD 2022. Ngay từ khi bắt đầu, nhóm có hệ thống lưu trữ các văn bản họp, ghi chép cặn kẽ các thay đổi của sản phẩm qua từng thời kì, các tài liệu tham khảo, hình ảnh vật liệu với mã code chỉn chu… Nhật Khánh (nhóm The Sun Lab) cho biết với các dự án thường ngày, bạn còn lưu trữ và cập nhật vật liệu dưới dạng hình ảnh và vật liệu 3D dùng cho rendering (kết xuất) mỗi ngày, vì sẽ tiết kiệm thời gian nếu cần làm lại và tính thống nhất cũng cao hơn. Với cách thức này, nhóm cũng có thể đối chiếu hoặc nhìn lại để rút kinh nghiệm khi cần thiết.

Giống The Sun Lab, anh Bung Trần và anh Danh Nguyễn (thành viên hội đồng cố vấn VFCD 2022) cũng có thói quen lưu trữ “tất tần tật” thông tin dự án trên/trong các kho trực tuyến hoặc ngoại tuyến như ổ cứng, Google Drive… sao cho thành viên dự án có thể truy cập dễ dàng và an toàn. “Kể cả các ý tưởng sáng tạo chưa được thực hiện ngay, vì sáng tạo là một quá trình, biết đâu đến thời điểm phù hợp thì các ý tưởng đã bị bỏ đi lại trở nên tài sản quý giá” – anh Bung chia sẻ.

Còn VFCD, mỗi mùa trôi qua là lại có một kho dữ liệu về các địa chỉ liên lạc, các dự án sáng tạo và các sản phẩm truyền thông được hình thành. Trên trang YouTube của liên hoan có đầy đủ các video ghi lại nội dung các buổi đối thoại, trò chuyện của nhiều diễn giả diễn ra trong năm đó. Còn trên fanpage chính thức, người dùng có thể dễ dàng xem lại những sự kiện yêu thích mà VFCD đã phát trực tiếp. Những video phát lại và các sự kiện livestream này cho dù tốn kém cả về mặt kinh phí đến nhân lực, nhưng là điều hết sức cần thiết, bởi qua mỗi năm, “bộ sưu tập” các buổi trò chuyện, chia sẻ, các bài phỏng vấn và các gương mặt sáng tạo hợp tác cùng VFCD lại dày thêm. Lâu dần, VFCD sẽ trở thành một địa chỉ lưu trữ giá trị về bức tranh sáng tạo Việt Nam. Trong số đó, có rất nhiều nội dung mang tính chuyên sâu cực kì giá trị đối với những người làm sáng tạo và các bạn trẻ muốn xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Dù còn nhiều lúng túng trong việc thực hành lưu trữ, cũng như thiếu thốn nhiều yếu tố để “mơ” đến một hệ thống dữ liệu bài bản như các nước phát triển, nhưng trong lúc chờ đủ tiềm lực, mỗi người có thể làm trước phần của mình. Để đến khi một tổ chức tư nhân hay dự án lớn của nhà nước có khả năng xây dựng hệ thống thì những dữ liệu vẫn còn đó, khoa học và đủ đầy hơn.

11.12.2022

Bài viết: Hà Bi thực hiện cho VFCD 2022

Ảnh: Phan Đan, 99Rise Productions

Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng

Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2022 khi chia sẻ bài viết.

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép