Kiến Trúc Sư Nguyễn Hà & Nghệ Sĩ Trần Thảo Miên: Hành Trình Giải Mã Và Thổi Hồn Cho Những Chất Liệu Truyền Thống

Trong quá trình thực hiện một dự án nghiên cứu dài hơi về chất liệu và kỹ thuật chế tác của những đồ chơi dân gian, cặp đôi đến với sân chơi Thách thức Sáng tạo để tiếp tục giải đề và khám phá một trong những chất liệu nguyên sơ và bí ẩn. 

Với mong muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu độc đáo, có giá trị lớn về chất liệu, kỹ thuật, thiết kế và lịch sử các trò chơi dân gian Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Hà và Trần Thảo Miên “lên đường” tổng hợp và tư liệu hóa kỹ thuật chế tác cũng như lịch sử của những món đồ chơi truyền thống.

Chiếc đèn Trung thu – món đồ chơi đã lớn cùng bao thế hệ người Việt – là một trong những đối tượng nghiên cứu đầu tiên của họ. Khoảng cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, những món đồ chơi Trung Thu thủ công cầu kỳ rất thịnh hành tại Hà Nội. Trong “Phố phường Hà Nội xưa”, Hoàng Đạo Thúy có viết: “Từ mồng một tháng tám, là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội, đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng trong phố đều đã biến ra những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu bằng giấy. Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân”. Theo “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” của Viên Mai Nguyễn Công Chí, đèn Trung thu chia làm hai loại, loại để rước và để treo. Loại để rước có nhiều kích cỡ khác nhau cho từng lứa tuổi và không phải đèn rước nào cũng có thể thắp được đèn bên trong. “Tối 15 nhà nhà treo đèn xếp, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con cá, con cua, con bướm… trước hiên nhà”.

Dựa vào những tấm hình do Léon Busy chụp Hàng Gai năm 1915 và ảnh do Henri Tracol chụp năm 1941 (được nhà nghiên cứu nghệ thuật Kevin Vương chia sẻ), nhóm tác giả tìm ra được những hiện vật đồ chơi đèn con cua, con bướm, cá hóa rồng,… hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Quai Branly đã được trưng bày tại Triển lãm đồ chơi An Nam tại Trocadero năm 1932 (tài liệu từ thư ký bảo tàng Marcelle Bouteiller, Jouets annamites et fête des enfants) và Gian hàng Đông Dương tại Triển lãm Quốc tế ở Paris năm 1937. Qua đó, họ đã lấy cảm hứng và sử dụng lại chính chất liệu tạo nên những chiếc đèn treo Trung thu một thời bằng việc kết hợp rác thải thời trang với chính chất liệu làm đèn lồng truyền thống là giấy dó… để khám phá tính biến hoá, sự đa dạng của chất liệu này.

Qua đó, họ đã lấy cảm hứng và sử dụng lại chính chất liệu tạo nên những chiếc đèn treo Trung thu một thời bằng việc kết hợp rác thải thời trang với chính chất liệu làm đèn lồng truyền thống là giấy dó… để khám phá tính biến hoá, sự đa dạng của chất liệu này.

Tiếp nối hành trình nghiên cứu và mang một đời sống mới tới các sản phẩm đồ chơi truyền thông, hai tác giả khám phá chất liệu than đá – một nhiên liệu hóa thạch huyền bí và có tính mâu thuẫn nội tại cao, vừa là nhiên liệu của sự sống vừa huỷ hoại môi trường sống. Than đá đại diện cho bóng đêm, cho sự huyền bí và sự sống tính bằng hàng triệu năm. Với một chất liệu có tính đen đặc, khó đoán định về hình dạng, đây sẽ là một thử thách cho nhóm để thiết kế sắp đặt ánh sáng và khai thác chất liệu than đá cũng như giấy dó làm đèn truyền thống trên các góc độ khác nhau.

Tham gia sân chơi Thách thức Sáng tạo 2022, cả hai tác giả đều hy vọng ý tưởng của mình sẽ tạo được sự gợi mở cho chính những người sáng tạo trẻ. Từ những chất liệu và kỹ thuật chế tác truyền thống, sản phẩm sẽ gợi ý thêm những con đường mới với khởi nguồn từ các món đồ chơi dân gian

Thách thức sáng tạo của cặp đôi sẽ được giải quyết trong vòng ba tháng như thế nào? Hãy cùng VFCD 2022 theo dõi và đón đợi hành trình phục dựng và phát triển những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng của Kiến trúc sư Nguyễn Hà và Nghệ sĩ chất liệu Trần Thảo Miên nhé!

(Hình ảnh và thông tin do nhân vật cung cấp).

Kiến trúc sư Nguyễn Hà

Năm sinh: 1980

Lĩnh vực hoạt động: Kiến trúc, sáng tạo và phát triển đô thị, giáo dục và đào tạo sáng tạo

Kiến trúc sư Nguyễn Hà đã được cấp học bổng toàn phần cho Bằng Thạc sĩ tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, Zurich, Thụy Sĩ (ETHZ). Năm 2010, cô quay trở lại Việt Nam và đồng sáng lập arb architects với Kurt Aellen (cựu chủ tịch SIA) và Laurent Cantalou. Cô đã gặt hái nhiều kinh nghiệm làm việc ở quốc tế khi tham gia nhiều dự án khác nhau ở Morroco, Pháp và Thụy Sĩ. Cô cũng đã được mời làm giáo viên thỉnh giảng tại Khoa Kiến trúc của trường Đại học Xây dựng tại Hà Nội và nhà phê bình khách mời trong những buổi đánh giá cuối kỳ của Master Studio tại ETH Basel Thụy Sĩ và KU Lauven – Đại học Leuven, Bỉ.

Bên cạnh đó, Nguyễn Hà còn được biết đến là một người làm sắp đặt ánh sáng trong các cuộc triển lãm như triển lãm “Xem Đêm – Càng Đêm” cùng với nghệ sĩ Trần Đức Phương do Phòng trưng bày Manzi và Viện Goethe tổ chức.

Nghệ sĩ Trần Thảo Miên

Năm sinh: 1991

Lĩnh vực hoạt động: Nghệ thuật thị giác, thiết kế, xử lý chất liệu vải

Nghệ sĩ Trần Thảo Miên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế vải tại Đại học Nghệ thuật London năm 2013. Cô làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Anh và tại Hà Nội trước khi đồng sáng lập Collective Son Son vào năm 2020, với mục tiêu tạo ra một không gian sống sáng tạo, bền vững.

Trong nghệ thuật, Miên khám phá vai trò của các cá thể sinh vật trên Trái Đất dựa trên niềm tin lâu đời của người Việt “Vạn vật hữu linh”. Các tác phẩm nghệ thuật của cô “trong suốt như sự chân thành của tôi dành cho thiên nhiên, mềm mại và êm ái, hướng đến sự mượt mà và không bị gò bó, giống như nước.

08.09.2022

NGƯỜI VIẾT
Tường Minh