Kiến Tạo Di Sản Tương Lai Là Sống Chung, Đập Vỡ Và Tạo Mới

Di sản không chỉ sống mãi trong hình hài của ký ức, di sản là để sống cùng, tiếp nối và biến đổi theo nhịp sống và nhu cầu của con người. Ngày 18/11, Hội thảo “Di sản tương lai: kiến tạo di sản thông qua thiết kế và thiết lập bản đồ không gian” với sự góp mặt của các diễn giả đa lĩnh vực, cùng nhau chia sẻ về những quan điểm, cách thức để bảo tồn và thiết lập những giá trị tinh hoa mới từ nền tảng văn hóa và xã hội Việt dưới lăng kính của quy hoạch, kiến trúc, đô thị, nội thất.

Kiến trúc đương đại kế thừa từ truyền thống

Dưới lăng kính của kiến trúc, di sản Việt sở hữu những đặc trưng cụ thể được thừa nhận bởi hầu hết các chuyên gia, kiến trúc sư: không gian mở, hòa mình vào thiên nhiên, sự nhập nhằng giữa không gian chung và không gian cá nhân. Đứng trước bài toán về kiến tạo di sản tương lai với những thách thức của thời đại như tốc độ đô thị hóa công nghiệp hóa chóng mặt, dung hòa lối sống mới và các giá trị truyền thống, các diễn giả là kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã đưa ra những lời giải của riêng mình.

 

“Xây dựng ít hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn.” _ Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc MIA Design Studio

Đây là tiêu chí cốt lõi của MIA Design Studio đặt ra khi thực hiện các dự án kiến trúc. Nhìn nhận những mặt tối của tốc độ đô thị hóa đô thị tại Việt Nam, khi diện tích sống dần bị thu hẹp, khu sinh hoạt cộng đồng khan hiếm dẫn đến hệ lụy chiếm dụng quá mức các không gian chung của người đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh muốn hướng đến tập trung tối đa đưa các mảng xanh vào công trình, tạo một sự hài hòa cân bằng, trả con người tái hòa nhập thiên nhiên để đảm bảo tốt chất lượng sinh hoạt.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh

Với tiến sĩ Đặng Thanh Hưng, Giảng viên khoa Kiến trúc, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM di sản là kết quả của mối quan hệ con người, kiến trúc và bối cảnh đô thị, một tác động nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến kết nối kế tiếp. Anh lựa chọn tập trung vào nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh bởi theo anh đây là kiến trúc nhỏ, chưa có nhiều nghiên cứu nhưng lại là loại hình dễ bị thương tổn bởi khí hậu và tác động trực tiếp đến con người. Đi sâu nghiên cứu các khu vực có nhiều loại hình nhà ở đa dạng như khu Sunrise (Quận 7), các hẻm trên đường Lý Chính Thắng, hẻm Nguyễn Công Trứ,… anh khẳng định thói quen sinh hoạt trong không gian nhà ở của người Việt chịu ảnh hưởng lớn bởi điều kiện khí hậu nóng ẩm, bức xạ mặt trời lớn,… Từ đó anh đẩy mạnh cách thức thông gió tự nhiên, giúp giảm nhiệt môi trường bên trong và bên ngoài, thay đổi hình thái đô thị, cải thiện không gian đô thị.

Tiến sĩ Đặng Thanh Hưng

Gặp nhau trong ý niệm về bảo tồn, kiến tạo di sản dưới góc nhìn của kiến trúc, tiến sĩ Huỳnh Văn Khang, Phó Trưởng khoa Kiến trúc Mỹ thuật, Trưởng ngành Kiến Trúc đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH) nhìn nhận điểm mấu chốt để đưa truyền thống vào các kiến trúc đương đại chính là quan tâm đến bối cảnh con người và tự nhiên, cụ thể là thời tiết. Chính đặc thù thời tiết đã tạo nên đặc trưng nhà ở truyền thống người Việt như chú trọng thông gió hiệu quả, có không gian phía trước nhà, vật liệu gỗ thoát nhiệt,… Không cực đoan áp đặt lên kiến trúc những hình thái cũ, anh phân tách, đưa những mảnh truyền thống len lỏi vào kiến trúc đương đại. Đồng thời anh cũng mong muốn song song với duy trì kết nối truyền thống và hiện đại, thông qua những dự án hướng đến giáo dục, đưa cơ hội thực tế đến sinh viên, thúc đẩy nguồn lực tiếp tục kiến tạo di sản trong tương lai.

 Tiến sĩ Huỳnh Văn Khang

Đồng điệu về quan điểm bảo tồn những giá trị truyền thống, tiến sĩ Hoành Trần, giám đốc HTAP Architects đã bày tỏ sự yêu thích trong cải tạo các kiến trúc xưa cũ. Với anh cải tạo đem lại thách thức thú vị, thổi luồng sinh khí, phong cách mới cho những kiến trúc cũ. Điểm tự do của cải tạo so với bảo tồn, trùng tu chính là không cần đi sâu phân tích, tìm kiếm các nguyên vật liệu phù hợp, khớp với thời đại; mà cần mở rộng, cơi nới công năng và nhu cầu sử dụng công trình. Với nguyên tắc giữ gìn gốc rễ, cải tiến phù hợp nhu cầu anh đã đem lại diện mạo mới mẻ, tích cực cho nhiều kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh như Bun Ta (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Gallery Quỳnh (Lý Tự Trọng, Đồng Khởi), Toong (Hàm Nghi, Nguyễn Thị Minh Khai),…. 

Kiến trúc sư Manuel de Hagopian, Giám đốc G8A Architecture & Urban Planning khai thác di sản làng quê để giúp truyền thống len lỏi vào nhịp sống đô thị. Theo một khảo sát cho thấy, số lượng làng quê Việt Nam từ 1930 đến 2006 không những bị sụt giảm mà còn tăng lên đáng kể khoảng 20%, là minh chứng rằng mô hình làng truyền thống vẫn còn giá trị đứng vững đến hiện tại. G8A Architecture & Urban Planning đã triển khai 03 loại hình làng: làng công nghệ, làng sản xuất, làng đô thị tập trung vào mở rộng nhiều mảng xanh cho các công trình.

Kiến trúc sư Manuel de Hagopian

Cũng về không gian mở, kiến trúc sư Daisuke Sanuki, Giám đốc Sanuki Daisuke Architects lại có một quan niệm và cách thức thiết kế khác. Với kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam, anh một lần nữa khẳng định những tồn đọng: diện tích càng ngày càng bị thu hẹp, các không gian nhàm chán, thiếu sinh động, thời tiết khắc nghiệt và đặc trưng nhất là sự chiếm dụng không gian công cộng. Khác với quy trình thiết kế thông thường, anh không tập trung đầu tiên vào khu vực công năng chính mà định hình các không gian trống, từ đó các không gian cần thiết được tạo dựng tự nhiên. Các thiết kế của anh nhằm giải quyết sự chật hẹp trong mật độ, đưa ra những giải pháp kết cấu mới lạ giúp mở rộng khu vực sinh hoạt chung, đón nắng và thông gió tự nhiên.

Kiến trúc sư Daisuke Sanuki

Để đưa ra câu trả lời cho kiến tạo di sản từ kiến trúc, không chỉ là đi vào chi tiết mà còn xem xét ở bình diện rộng. Với nữ kiến trúc sư người Ý Carmen Volonnino, Giám đốc thiết kế 3TI PROGETTI ASIA, thiết kế kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc bản địa phải có được sự bao quát về tổng thể. Không chỉ coi trọng các yếu tố về văn hóa di sản dân tộc mà còn phải hướng đến những đặc trưng về địa hình và địa chất của khu vực. Phân tích rõ những đặc điểm hữu hình và nắm bắt được những giá trị tinh thần về văn hóa giúp định hình thiết kế.

Di sản tương lai – những khía cạnh khác

Di sản không chỉ là những kết quả được tạo dựng bởi con người, di sản còn tồn tại và hiển hiện hiển nhiên dưới nhiều dạng thức khác nhau, hiển hiện trong chính con người, trong nếp sống và những điều thường nhật.

Không đề cập vào khía cạnh hữu hình của di sản, Thierry Bernard, giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế, trường Đại học RMIT Việt Nam lại có hướng tạo dựng khác biệt khi khai thác yếu tố tiềm ẩn, ít được quan tâm là không gian và cách âm thanh tồn tại và ảnh hưởng đến không gian. Với ông âm thanh là dấu hiệu của sự sống, không có âm thanh chúng ta tiệm cận với cái chết. Bằng cách ghi lại âm thanh, rung động của sự sống, sự di chuyển của con người, vật thể trong không gian ông thiết lập bản đồ địa hình và bầu khí quyển. Cường độ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác vô hình được chuyển hóa thành màu sắc, hình thức thị giác hữu hình, một cách thức thiết lập di sản tương lai sinh động.

Thierry Bernard

Yuri Frassi, Giám đốc Officine Gặp, nghiên cứu sinh tiến sĩ về Kiến trúc và Thiết kế Đô thị tại trường Đại học RMIT, Melbourne có cách tiếp cận riêng về lưu giữ những di sản dưới hình hài kiến trúc đô thị. Với sự rập khuôn của kiến trúc đô thị toàn cầu, sức ép xây dựng hình ảnh nổi bật của thành phố, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng du lịch, điều gì tạo sự khác biệt? Anh cho rằng các dự án quy hoạch hoạch định tương lai rực rỡ và hào nhoáng của đô thị, đôi khi vô tình gạt bỏ những điều cốt yếu. Sự phát triển của đô thị nên được trao quyền cho chính cư dân đang sinh sống trong đó, bằng việc chung sống, tương tác, trải nghiệm, các di sản mới tiếp tục được tạo dựng và tạo ra điểm thu hút thú vị.

Bộ đôi Andrew Stiff và Becky Lu, giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế, trường Đại học RMIT Việt Nam tái hiện di sản thông qua ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) khám phá sự khác biệt và tương đồng trong thói quen, lối sống của cư dân quận 4 và quận 7, Hồ Chí Minh qua việc tập trung vào Kênh Tẻ. Là một phần trong nền tảng nghiên cứu toàn cầu “The rives cities network”, Andrew và Becky quan sát và ghi chép những tác động của đô thị hóa lên cư dân. Với họ, sự nhập nhằng giữa không gian chung và cá nhân là điểm tích cực bởi nhờ đó mà có thể chứng kiến, cảm nhận rõ nét nhịp sinh hoạt với tất cả các giác quan, di sản từ những tương tác cũng được hoàn nguyên và căng tràn sức sống.

Để kiến tạo di sản, đột phá cho tương lai, điểm xuất phát cần được bắt nguồn bằng tình yêu và sự chú tâm đến những lát cắt thường nhật của đời sống. Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hoà, LAITA Design là một minh chứng cho điều đó, những sáng tạo độc đáo của anh đến từ những phát hiện thú vị của đời sống, từ tình yêu và ngưỡng mộ với những hay ho của con người.

Bắt nguồn từ những bức thiết cá nhân và chứng kiến vụ cháy công xưởng Rạng Đông năm 2019, kiến trúc sư Mai Hưng Trung khởi xướng Hanoi Ad Hoc với mục đích nghiên cứu các yếu tố đô thị, xây dựng bộ dữ liệu lưu trữ số đa dạng, thiết lập bản đồ di sản công nghiệp. Với anh, đô thị và những cấu thành nên đô thị đều thuộc về cư dân đô thị, vậy nên Hanoi Ad Hoc được tạo dựng như một nền tảng trao đổi đa ngành và dân chủ trong việc đưa ra phát kiến về quyền kiến tạo thành phố.

Di sản tương lai có thể là sự chung sống hài hòa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, có thể là sự đập vỡ, phân rã những thành tố cũ xưa hay sự tạo dựng cải biến các giá trị mới phù hợp với con người, thời đại,… Không có mẫu chung nào cho kiến tạo di sản tương lai, bằng tất cả tình yêu, nỗ lực và khao khát cống hiến, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, nhà thiết kế đã và đang trong hành trình đem đến những định nghĩa riêng, cách thức riêng để tiếp biến các giá trị truyền thống. Bởi di sản không chỉ gói gọn là một danh từ, một hình thái tĩnh mà là sự vận động, chuyển đổi, biến thiên, tiếp nhận và chọn lọc không ngừng nghỉ. Di sản là những gì đẹp đẽ và rực rỡ nhất của con người, nằm trong tay con người và được quyết định bởi con người!

Có thể xem lại chi tiết nội dung buổi hội thảo trên kênh Youtube của VFCD tại địa chỉ: https://www.youtube.com/@vfcd.events

23.11.2023

Bài bởi Saya Nguyen cho VFCD

Ghi rõ nguồn VFCD khi chia sẻ bài

Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép