Gánh Vác Tổ Chức Văn Hóa Sáng Tạo Cần Nhiều Hơn Một Giấc Mơ Hồng

Trò chuyện: Gánh vác tổ chức văn hoá sáng tạo – Đi giữa giấc mơ hồng diễn ra vào sáng ngày 03.12 đã hâm nóng bầu không khí hội trường trong một sáng mưa lạnh bằng các chia sẻ đắt giá và gợi mở nhiều câu hỏi đối thoại.

Các diễn giả khách mời của trò chuyện gồm có: Ariel Phạm – Nhà sưu tập, Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghệ thuật The Outpost, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, Vũ Khánh Tùng – Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng và người điều phối, nhà báo Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoigrapevine

Nửa đầu cuộc trò chuyện, các khách mời lần lượt chia sẻ về lý tưởng và ước nguyện cũng như các hoạt động nổi bật của tổ chức văn hoá sáng tạo mà mình đang dẫn dắt. Sự đa dạng về hình thức tư nhân và nhà nước, truyền thống và đương đại, platform vật lý và phi vật lý… mang đến cho khán giả một cái nhìn tổng quát về các tổ chức văn hoá tại Việt Nam. 

Nửa sau cuộc trò chuyện thảo luận về sự thay đổi và lớn lên, cùng câu hỏi làm sao để “sống” được? Làm sao để tạo dựng một hệ sinh thái lành mạnh có tính “bao gồm”, để ý và đảm bảo nhu cầu của những đối tượng đa dạng, trong đó có đối tượng yếu thế, hài hoà lợi ích và ngày càng trưởng thành lớn mạnh, tạo ra nhiều tác động xã hội. 

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu chia sẻ những ngày đầu mới tiếp quản Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2016, bản thân anh chưa có kinh nghiệm quản lý nói chung, đặc biệt quản lý di sản. Anh đứng trước khó khăn phải thích ứng, phải tạo ra thay đổi về nhận thức, cách thức làm việc của một tổ chức đã vận hành 30 năm, đã có nề nếp làm việc, hệ thống quy định có sẵn. Chưa hết, anh phải đối mặt với thách thức làm sao để Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa phải giữ được hồn cốt, giá trị lâu năm, vừa phải thích ứng, hoà hợp với sự phát triển của xã hội, xứng đáng với vị thế của nó. Các giá trị tiền nhân để lại đã rất đáng quý nhưng việc chỉ vận hành một cách thuần tuý mở cửa đón khách rất khác với việc làm thế nào để các giá trị đó sống động và tạo ra giá trị mới trong xã hội ngày nay.

Với Nhà sưu tập Ariel Phạm, khó khăn đến từ việc thay đổi vai trò từ góc độ cá nhân, nhà sưu tập tư nhân, chuyển sang việc đưa bộ sưu tập ra công chúng. Cô chia sẻ tâm lý của người đứng đầu nơi trưng bày công cộng rất khác với tâm lý của nhà sưu tập tư nhân trước đây. Nhiều quyết định trước đây được đưa ra bằng cảm tính thì nay phải cân nhắc và lý tính hơn. Sau một năm hoạt động, khi sở thích trở thành công việc, cô nhận ra có nhiều khó khăn và mặt trái, mà khi đã ở trong đó thì tâm thế cũng thay đổi. Việc cam kết gắn bó với The Outpost, với lý tưởng ban đầu thể hiện sự trưởng thành của cô trên con đường gánh vác tổ chức. 

Diễn giả Vũ Khánh Tùng trong vai trò người tiếp quản và tiếp nối gia đình thừa nhận đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi trước nay anh chọn công việc rất khác bố và gia đình. Để đối xử đúng với di sản bố để lại, anh đã phải đầu tư rất nhiều thời gian để học về quản lý văn hoá, học về giám tuyển nghệ thuật… Việc đầu tiên anh thực hiện khi tiếp quản nhiệm vụ là thay đổi nhận diện của bảo tàng để phù hợp hơn với sứ mệnh mới. Chuyển đổi từ bảo tàng mang đậm màu sắc cá nhân sang bảo tàng với các hoạt động hướng tới cộng đồng. Việc thiết kế nhận diện mất hết 03 năm và đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Nhà báo Trương Uyên Ly chia sẻ khi tiếp quản Hanoi Grapevine, chị không có kiến thức về nhân sự. Thế mạnh của chị là chuyên môn báo chí. Vì Hanoi Grapevine là nền tảng truyền thông thì rất cần chuyên môn báo chí nhưng nó cũng không hẳn vậy. Nó cũng không hoàn toàn đáp ứng với một tổ chức văn hóa sáng tạo dưới góc độ doanh nghiệp. Chị đã phải thay đổi tư duy, suy nghĩ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vừa vẫn phải cân bằng với lý tưởng của người làm báo là phát triển xã hội. Khi đem 02 thứ đó vào chung với nhau, chị đã phải vật lộn suốt hai đến ba năm. Trong thời gian này, chị đã phải đưa ra một quyết định đau đớn, đó là chia tay các bạn nhân sự cũ của Hanoi Grapevine do thay đổi của tình hình mới đã không còn phù hợp với cách làm việc của đội nhân sự cũ.

Từ kinh nghiệm nhiều năm điều hành, anh Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, đối với người điều hành không gian văn hóa sáng tạo thì điều quan trọng nhất là nguồn thu. Nếu không có tiền để sống thì không làm được gì cho xã hội cả. Khi quỹ Ford và các quỹ khác rời khỏi Việt Nam do suy thoái kinh tế, TPD đứng trước bài toán phải tìm ra mô hình kinh doanh có nguồn thu. Từ một tổ chức phi lợi nhuận ban đầu đứng dưới tên của Cục Điện ảnh, TPD phải làm sao để có nguồn thu ổn định. Nếu chỉ nhận tiền tài trợ thì không đủ, nó cần có sự ổn định và sự độc lập hơn. Bởi vậy TPD phải tìm ra cách để vừa độc lập vừa có sự hợp tác của nhà nước và tư nhân, vẫn nhận được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Trải qua nhiều mô hình: Công ty, doanh nghiệp xã hội, thành lập quỹ điện ảnh… Cuối cùng TPD quyết định ở mô hình công ty vừa có tư cách pháp nhân, vừa có hoạt động thu tiền vừa có thể nhận được tài trợ.

Không có công thức chung cho bất kỳ một tổ chức văn hóa sáng tạo nào. Mỗi nhà lãnh đạo đều tự học tự điều chỉnh trong quá trình thực hành của tổ chức. Đằng sau mỗi “giấc mơ hồng” nghệ thuật là rất nhiều trăn trở và những quyết định táo bạo của các nhà lãnh đạo cùng đội ngũ. Dẫu khó khăn như vậy nhưng họ vẫn luôn giữ vững niềm tin và dũng cảm tiến về phía trước với tình yêu nghệ thuật và tinh thần lạc quan. 

Buổi nói chuyện kết thúc với phần hỏi đáp thắc mắc của khán giả về động lực và cơ hội phát triển của các tổ chức văn hóa sáng tạo, kế hoạch trong tương lai gần theo xu hướng, dòng chảy sáng tạo thế giới. 

14.12.2023

Chii Nguyễn