Dự đoán di sản tương lai từ góc nhìn sáng tạo

Sáng ngày 07.12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra buổi đối thoại “Bối cảnh: Thành phố (Hà Nội) năm 2048”. Các giảng viên và sinh viên Đại học RMIT Việt Nam và Melbourne đã có những chia sẻ sâu sắc về quá trình và kinh nghiệm đúc kết được từ chương trình Future Ancestors (tạm dịch: “Tổ tiên tương lai”), cũng như thảo luận cùng khán giả xoay quanh vai trò của người thực hành sáng tạo trong bảo vệ và kiến tạo di sản cho thế hệ mai sau.

Kết nối lớp trẻ với dệt may truyền thống

Dự án đầu tiên diễn ra trong khuôn khổ chương trình Future Ancestors là Weaving The Future (tạm dịch: “Dệt Tương lai”, hướng dẫn bởi Kilomet109). Với các hoạt động thực địa tại làng nghề thủ công, bảo tàng và cửa hàng Kilomet109, sinh viên hai trường đã có cơ hội quan sát quy trình nhuộm vải tự nhiên, các chất liệu truyền thống bản địa và tìm hiểu về mô hình sản xuất các sản phẩm vải từ nguyên liệu tự nhiên.

Đề xuất của nhóm dự án là tổ chức workshop cho các bạn nhỏ để có thể kết nối lớp trẻ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua thực hành, từ đó khuyến khích đối thoại về phát triển bền vững trong thời đại bùng nổ tiêu dùng.

“Chúng tôi (thành viên nhóm dự án) đại diện cho các cộng đồng khác nhau. Chúng tôi nhận thức rất rõ việc bản thân bị mất kết nối với nền văn hóa gốc của cộng đồng mình ra sao, và vì vậy cả nhóm đã cùng thảo luận để đưa ra ý tưởng tổ chức các workshop hướng dẫn kỹ thuật dệt vải tự nhiên. Dù không phải người Hà Nội, chúng tôi vẫn mong có thể kết nối với người dân Hà Nội, đặc biệt là các bạn học sinh tiểu học, thông qua các hoạt động gìn giữ và kế thừa tinh thần truyền thống này,” một sinh viên hào hứng chia sẻ về dự án.

Số hóa khu tập thể để nối dài sức sống di sản

Dự án thứ hai là Extending Heritage (tạm dịch: “Nối tiếp Di sản”, hướng dẫn bởi Hanoi Ad Hoc). Sử dụng nhiếp ảnh và kỹ thuật 3D để số hóa hiện vật kiến trúc, các sinh viên và người hướng dẫn đã dành thời gian trò chuyện với người dân sống tại các ngôi nhà cổ Hà Nội để khám phá cuộc sống thực tế tại những công trình mang tính đại diện cho dòng luân chuyển của lịch sử.

Đây là trải nghiệm thú vị đối với nhóm dự án. “Chúng tôi đã đến thăm các gia đình tại Hàng Gà hay Nghĩa Tân. Những ngôi nhà này tuy cũ nhưng lại là nơi sinh sống chung của bốn, năm thế hệ. Việc quan sát sự chuyển đổi của các công trình này đã truyền cảm hứng cho những đối thoại thú vị giữa chúng tôi về lịch sử và bảo vệ di sản văn hóa.” 

Hướng tiếp cận di sản bằng nghệ thuật thị giác này sẽ góp phần tạo ra các mô hình có thể lưu trữ tương tác trong môi trường kỹ thuật số, đồng thời cũng hy vọng có thể kiến tạo các không gian giao lưu giữa nghệ thuật và công nghệ trong tương lai.

Khám phá dòng lưu chuyển đô thị qua nhiếp ảnh

Dự án cuối cùng là Inner-city Commute (tạm dịch: “Di chuyển trong Nội thành”, hướng dẫn bởi Matca). Dưới sự hướng dẫn của Matca, nhóm dự án đã thực hiện các chuyến nghiên cứu đô thị Hà Nội bằng hình thức đi bộ trên đường phố để tìm kiếm giải pháp cho trăn trở: “Các câu hỏi về lịch sử, thiết kế đô thị, biến đổi khí hậu và tính toàn diện ảnh hưởng đến dòng dịch chuyển trong thành phố hiện tại và tương lai như thế nào?” 

Các sinh viên đã cùng chụp ảnh và thảo luận để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa cách di chuyển của cư dân Hà Nội với môi trường đô thị xung quanh họ, từ đó cho thấy sự phát triển của Hà Nội qua các mốc thời gian lịch sử. 

Một sinh viên chia sẻ, anh bị thu hút bởi lịch sử và sự đa dạng trong lối sống thích nghi với hoàn cảnh của người dân Hà Nội. Thực hành nhiếp ảnh đã gợi mở những quán chiếu trong kinh nghiệm riêng của anh, không chỉ về cách mọi người di chuyển mà còn là cách chúng ta chuyển đổi từ hiện tại tới tương lai.

Bằng cách tiếp cận khái niệm “di sản tương lai” từ góc nhìn phi truyền thống, buổi đối thoại “Bối cảnh: Thành phố (Hà Nội) năm 2048” đã khám phá một số thực hành mới mẻ xoay quanh chủ đề bảo vệ và tiếp nối di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các diễn giả, nhóm dự án và người tham gia buổi đối thoại đều bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc trao đổi đa ngành như vậy để có thể kết nối quá khứ và hiện tại, cũng như đưa ra dự đoán về di sản trong tương lai.

14.12.2023

Bài bởi Minh Hiếu cho VFCD
Ghi rõ nguồn VFCD khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép