Thiết kế tưởng chừng như phải đồng nghĩa với tạo tác, nhưng tại buổi đối thoại “What’s Left: Từ Rác thải tới Nghệ thuật diễn ra ngày 19.11.2022 tại Không gian De La Sól, 244 Pasteur, nhà thiết kế Phạm Thị Kiều Phúc đã đem đến cho khán giả một góc nhìn mới, nơi thiết kế mang tới sự thay đổi, đem đến giá trị cao từ những nguyên vật liệu bỏ đi.
Đó là In a minute. Hội An, một thương hiệu thời trang và lối sống, hướng đến sử dụng và tái chế vải loại do nhà thiết kế Phạm Thị Kiều Phúc sáng lập. Sau 18 năm thực hành thiết kế nội thất và thành công với thương hiệu nổi tiếng MODULE 7, nhà thiết kế Phạm Thị Kiều Phúc đã tới Hội An và bắt đầu hành trình “làm bạn” với vải thừa. Thương hiệu In a minute Hội An nhìn nhận vải thừa, vải loại như một nguồn nguyên liệu địa phương sẵn có, không chỉ ứng dụng được vào thời trang tái chế, mà còn sử dụng được trong thiết kế nội thất và sắp đặt nghệ thuật.
Nhà thiết kế đưa ra ý tưởng này khi chứng kiến tình trạng sản xuất thời trang nhanh, thời trang du lịch tràn lan ở Hội An, nơi đón hàng triệu lượt khách mỗi năm. Để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, hàng ngàn tiệm may đo đã ra đời và để lại hàng tấn vải thừa, vải vụn mỗi ngày. Công việc của thương hiệu In a minute. Hội An chỉ là xin vải loại từ các cửa hàng, “ai cho gì nhận nấy” để “tạo tác”. Nhưng nỗ lực của một ý tưởng riêng lẻ như In a minute. Hội An không thể xử lý hết 75% khối lượng nguyên liệu không được tái chế từ ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam.
Trong quá khứ, thực ra các thế hệ cha ông chúng ta đã duy trì lối sống “zero waste”, tức là không bỏ đi thứ gì, tái chế tất cả những gì còn sử dụng được và hạn chế sử dụng hóa chất. Một ví dụ khác về tái chế cũng rất gần gũi, áo cà sa của Phật giáo được may từ những tấm vải vụn nhặt được, chứ không dùng vải mới. Tuy nhiên, xã hội phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta đang đi từ tình trạng “thiếu” đến “thừa”, sự tiêu dùng của con người là hành động cuối cùng của chuỗi sản xuất. Sự hoàn toàn vắng mặt của tái chế khiến người tiêu dùng bị tách khỏi chuỗi và biến thành một sản phẩm không có ý thức trong chuỗi. Thực trạng đó đặt ra vấn đề chúng ta cần lùi lại để nhận ra mình có thể thay đổi theo hướng nào để cân bằng hơn và hạn chế gây hại cho môi trường.
Ngoài phần giới thiệu về ý tưởng khi thành lập thương hiệu của mình, nhà thiết kế Phạm Thị Kiều Phúc còn đề cập tới những tác động của chủ nghĩa tiêu dùng đến môi trường, bàn thêm về vai trò của nhà thiết kế trong tương lai của thiết kế và nghệ thuật ứng dụng và xu hướng “From Trash to Art – Nghệ thuật đến từ Rác”. Theo cô, “thiết kế là cách nhìn nhận vấn đề và mang lại sự thay đổi, là một cách phát triển bản thân và phát triển triết lý bên trong. Và sáng tạo nghệ thuật là quá trình chuyển hoá nhận thức, chuyển hoá cách chúng ta nhận thức và tương tác với môi trường sống.”
VFCD rất mong nhận được chia sẻ và góp ý của bạn về VFCD và về sự kiện, hãy để lại feedback tại đây nhé: https://bit.ly/3tIP7a3