Đi tìm căn tính nghệ thuật giữa nhiễu động của AI

Ngày 4/12 vừa qua, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra buổi trò chuyện thực hành sáng tạo “Chúng ta nhìn nhận nghệ thuật như thế nào trong thời đại AI?”. Với sự dẫn dắt của người điều phối Nguyễn Hải Nam, các nghệ sỹ Christian Berg, Cẩm-Anh Lương và Hà Châu Bảo Nhi đã hé lộ những thông tin thú vị về quá trình thực hiện tác phẩm, cũng như trao đổi cùng khán giả về vai trò của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thế giới nghệ thuật ngày nay.

Từ trái qua: Christian Berg, Hà Châu Bảo Nhi, Nguyễn Hải Nam cùng Cẩm-Anh Lương qua màn hình online

Thử nghiệm nghệ thuật bằng AI

Christian Berg lần đầu chuyển tới sống tại Đông Nam Á vào những năm 20 tuổi để chụp ảnh tư liệu và thương mại. Kể từ đó tới nay, Đông Nam Á nói chung và TP.HCM nói riêng đã trở thành “nhà” của anh, nơi mà anh cảm thấy thuộc về. Từ những mảnh ký ức rời rạc góp nhặt được suốt quãng thời gian ở đây, anh đã sáng tạo tác phẩm “Tất Cả Những Nơi Tôi Từng Sống” nhằm ghi lại sự phức tạp của nơi chốn và khám phá ý niệm về “nhà” dưới góc nhìn của một người phương Tây di cư tới châu Á.

“Tất Cả Những Nơi Tôi Từng Sống” là một thử nghiệm nhiếp ảnh mở rộng. Giai đoạn thứ nhất, Christian Berg sử dụng AI để trộn lẫn các hình ảnh khác nhau thành một tấm hình duy nhất. Sau đó, anh tiếp tục kết hợp ChatGPT và Python để “bóp méo” tấm hình bằng những lớp glitch và văn bản.

“Những địa điểm trong tấm hình không có thực, mà nó đại diện cho dòng ký ức mơ hồ và nhiễu động. Dữ liệu đưa vào luôn bị ảnh hưởng bởi thiên kiến cá nhân của tôi, và bởi vậy kết quả đầu ra đã hé lộ những điều thú vị mà bản thân tôi còn không nghĩ tới,” Christian Berg chia sẻ về tác phẩm.

Tác phẩm “Tất Cả Những Nơi Tôi Từng Sống” của Christian Berg

Cẩm-Anh Lương, nghệ sỹ new media và nhà thiết kế người Việt tại Đức, cũng có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm lần này. “TrótTin_AI” là tác phẩm đầu tiên của cô có sự tham gia của công cụ AI. Thông qua tác phẩm, cô muốn khám phá mối quan hệ giữa AI và niềm tin của con người, mở ra cuộc đối thoại về cách mà hai thực thể tách biệt này có thể tương tác.

Sử dụng tệp dữ liệu tổng hợp từ các chủ đề về tín ngưỡng và lễ hội, Cẩm-Anh đã tạo ra các hình ảnh động thay đổi liên tục bằng AI. Tác phẩm có thể nhận diện cơ thể người và hiển thị các phác đồ trình chiếu tương tác tương ứng với từng chuyển động cơ thể đó.

Cẩm-Anh bộc bạch: “Liệu người xem có thích thú với hình ảnh được tạo ra không? Liệu họ có hoài nghi về tác phẩm không? Liệu tác phẩm có truyền cảm hứng cho họ tiếp tục tạo ra các tác phẩm khác với AI không? Tôi rất tò mò về phản ứng của khán giả VFCD với TrótTin_AI.”

Tác phẩm “TrótTin_AI” của Cẩm-Anh Lương

Từng là nhà tư vấn công nghệ thông tin, Hà Châu Bảo Nhi đem tới một thử nghiệm khác biệt trong tác phẩm “Giữa Hai Thế Giới”. Tác phẩm là lời hồi đáp của cô trước những băn khoăn về danh tính cá nhân giữa các thế giới khác nhau.

“Ngoài thế giới thực, con người sau khi qua đời sẽ trở thành một hồn ma, được nhớ tới qua những tấm ảnh vật lý. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi dữ liệu của chúng ta luôn tồn tại trên cơ sở dữ liệu của một nền tảng số nào đó, chúng ta trở thành những bóng ma kỹ thuật số,” Nhi chia sẻ về thông điệp đằng sau tác phẩm.

Để minh họa cho ý tưởng ấy, Nhi sử dụng thuật toán của học máy (machine learning) nhằm tạo ra độ trễ trong hình ảnh phản chiếu của người tham gia trên màn hình tác phẩm. Bên cạnh đó, cô cũng ghi hình người xem bằng webcam thay vì cảm biến kinect. Nhi giải thích, “Kinect sử dụng công nghệ thị giác khác với mắt nhìn bình thường của con người. Tôi muốn thể hiện ý tưởng rằng hồn ma cũng từng là con người, và họ nhìn thế giới giống như cách chúng ta nhìn thế giới.”

Một phần tác phẩm “Giữa Hai Thế Giới” của Hà Châu Bảo Nhi

Ý tưởng là cốt lõi của nghệ thuật

Cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi với những trao đổi xoay quanh tác động của AI trong thế giới nghệ thuật. Trước nỗi lo lắng đánh mất bản thể trong thời đại công nghệ từ phía khán giả, các nghệ sỹ đều đồng tình rằng AI không thể hoàn toàn thay thế được con người.

Khán giả đặt câu hỏi cho các nghệ sỹ

Với Hà Châu Bảo Nhi, AI giống như một chiếc hộp đen, chúng ta không biết bên trong có gì nên đôi khi sẽ phản ứng thái quá. Nhưng AI về cơ bản là thuật toán, không hề có ý thức mà chỉ hoạt động dựa trên dữ liệu con người đưa vào. “Việc AI trở thành một tín ngưỡng chỉ xảy ra nếu chúng ta không bao giờ cố gắng hiểu chúng là gì,” Hà Châu Bảo Nhi khẳng định.

Nhi tin tưởng vào tính độc bản trong ý tưởng của các nghệ sỹ. Nghệ sỹ làm tác phẩm để thể hiện ý tưởng của mình, và AI chỉ là một trong rất nhiều công cụ mà nghệ sỹ có thể dùng để minh họa cho ý tưởng đó.

Sau cùng thì, mục đích của nghệ thuật là đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của nghệ sỹ. “Người ta có thể đánh giá tính độc bản của một tác phẩm mà không dựa vào AI. Nghệ sỹ có thực hành của riêng họ, họ có những loại hình nghệ thuật khác nhau để tìm kiếm câu trả lời. Họ luôn trông đợi cái gì đó lớn hơn là hình ảnh mà AI tạo ra,” Cẩm-Anh Lương cho biết.

AI có thể bắt chước dữ liệu có trên Internet, nhưng không thể thay thế cách chúng ta sống và những khoảnh khắc mà chúng ta cùng chia sẻ. “AI không có ý thức, nó không mạnh mẽ đến thế. Nhưng là một nghệ sỹ, bạn có thể thử nghiệm cùng AI để khai phá những tiềm năng mà bạn có thể làm với nó,” Christian Berg kết luận./

13.12.2023

Bài bởi Minh Hiếu cho VFCD
Ghi rõ nguồn VFCD khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép