Cùng nhìn lại: đối thoạI thách thức sáng tạo – cặp đôi Nguyễn Hà & Trần Thảo Miên

Trong buối tối ấm cúng của thứ Sáu cuối tuần ngày 11.11.2022, buổi đối thoại Thách thức Sáng tạo về dự án Than “Thở” của cặp đôi Kiến trúc sư Nguyễn Hà và Nghệ sỹ chất liệu Trần Thảo Miên đã tổ chức thành công tốt đẹp với nhiều thông tin chưa từng được “bật mí” trên truyền thông.

Mở đầu buổi trò chuyện, cặp đôi chia sẻ về hành trình ba tháng được thử thách cả về khả năng sáng tạo và chạy đua với thời gian. Vốn dĩ hai người đang cùng làm một dự án phục dựng dài hơi về các đồ chơi cổ ở thế kỷ XIX và XX ở Việt Nam đang được lưu giữ ở bảo tàng bên Pháp. Nhưng trong quá trình làm việc chung, cả hai đã phát hiện ra những chất liệu xưa rất thú vị. Điều này đã trở thành nguồn cảm hứng để nhóm bắt đầu thử nghiệm.

Tiếp đó, Nghệ sỹ Trần Thảo Miên chia sẻ với vị trí của nhà nghiên cứu chất liệu. Những chiếc đèn Trung thu của thời hiện đại được làm từ giấy bóng kính. Nhưng trong quá trình đi tìm hiểu các bảo tàng, chị lại thấy các tác phẩm đèn Trung thu lại làm từ giấy quang dầu. Dù chưa rõ thông tin về chất liệu, nhưng theo nhận định của chị, người xưa có lẽ đã sử dụng dầu quang nón. Sau đó, cặp đôi đã thử trên nhiều chất liệu khác nhau, các loại giấy khác nhau. Trong quá trình đó, giấy dó một bóc của Nghệ An khá là mỏng, thớ giấy có khoảng cách với nhau nên giấy rất “ăn” dầu và trở nên trong suốt. Cặp đôi cảm thấy rất hứng thú với nguyên liệu mới tìm được này. Ban đầu, cả hai chưa muốn thử luôn mà nghiên cứu một thời gian nữa. Nhưng sân chơi Thách thức Sáng tạo đã tình cờ đem lại cơ hội để Hà và Miên có thể bắt tay vào quá trình thử nghiệm. Đó cũng là lúc chất liệu than đá chính thức trở thành một phần của dự án này.

Về than đá, “nhân vật” trung tâm của dự án Than “Thở”, KTS Nguyễn Hà không giấu nổi sự say mê về tính hấp dẫn, cuốn hút, độc đáo của nguyên liệu này. Than đá đại diện cho sự huyền bí, bóng đêm và sự sống đã tồn tại hàng triệu năm. Chính bởi vậy, chị muốn thử biểu hiện một tính chất đối lập của bóng đêm là ánh sáng. Cái tên Than “Thở” – một cách chơi chữ thú vị của chị – cũng chính là quá trình thử nghiệm than đá – một chất liệu cứng, vĩnh cửu kết hợp với giấy – một chất liệu vô thường mềm mại liệu có mang hơi thở được không. Về trải nghiệm tham gia Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, chị cho biết việc Ban Tổ chức rất sát sao tiến độ đã tạo ra động lực để nhóm có thể lưu trữ gần như toàn bộ quá trình thử nghiệm.

Đến với buổi trò chuyện, người tham dự không chỉ có cơ hội được xem video ghi lại hành trình thực hiện dự án Than “Thở” mà còn có cơ hội được đối thoại trực tiếp với hai diễn giả. KTS Nguyễn Hà đã khiến khán giả ngỡ ngàng vì ý tưởng sắp đặt quá đỗi…ngẫu hứng nhưng vô cùng hiệu quả. Nhiều khán giả cho biết, họ không ngờ rằng đây không phải là ý tưởng ban đầu mà là sự biến tấu, sáng tạo của chị khi dự án cần một không gian tối hơn so với hệ thống ánh sáng của triển lãm. Bên cạnh đó, cặp đôi cùng nhau giải đáp về concept truyền sáng, việc lựa chọn và tìm hiểu chất liệu hay chia sẻ về câu chuyện kết hợp đa ngành với hai cá tính, chuyên môn cùng phong cách hoàn toàn khác nhau./

17.11.2022

Bài viết: Tường Minh thực hiện cho VFCD 2022
Ảnh: Đan
Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.