Cùng nhìn lại: buổi đối thoại công nghệ dệt & thêu – thử nghiệm công nghệ để làm mới truyền thống

Sáng ngày 11.11.2022, buổi đối thoại Công nghệ dệt & thêu – Thử nghiệm công nghệ để làm mới truyền thống do các chuyên gia nghiên cứu đến từ hai trường Đại học hàng đầu về lĩnh vực Thiết kế – Đại học RMIT Việt Nam và Đại học Công nghệ Auckland New Zealand đã diễn ra sôi nổi với nhiều phát hiện, thông tin bổ ích từ bài nghiên cứu cấp tiến sĩ của diễn giả.

Ứng cử viên tiến sĩ Leona Wang là người chủ trì chính trong buổi trình bày. Cô chia sẻ rằng, sự biến mất của hàng loạt sản phẩm thủ công di sản không chỉ dừng lại ở câu chuyện chúng ta đánh mất đi những món đồ thủ công đẹp mắt, mà còn là đánh mất đi cả câu chuyện làm nên chính con người và lịch sử của chúng ta. Đứng trước nguy cơ ngành thêu dệt truyền thống dần bị mai một, cô nhận định rằng việc nghiên cứu lĩnh vực này là cần thiết và cấp bách. Chính bởi vậy, công trình nghiên cứu của cô tập trung vào việc ứng dụng công nghệ với sản phẩm thêu dệt thủ công của nhóm người dân tộc thiểu số tại Trung Quốc như công nghệ dệt điện tử để bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật, đồng thời khơi gợi cảm hứng của những người trẻ và gợi mở những hướng đi mới về làm thủ công tại các môi trường giáo dục đang đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Diễn giả cũng chỉ ra 05 vấn đề gốc rễ dẫn đến việc ngành thủ công truyền thống “bị bỏ rơi” trong bối cảnh hiện đại: giáo dục, việc làm, dân số bị già hóa, nhận thức và thiếu nguồn nguyên vật liệu. Đặc biệt, đứng trước tình trạng suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngành thủ công lại phải đối diện với càng nhiều khó khăn, thách thức để có thể tồn tại. Theo nghiên cứu được công bố bởi Liên hiệp Thủ công Truyền thống vào tháng 5 năm 2021, số lượng hàng thủ công bị đe dọa “tuyệt chủng” lên tới 274.

Trong bài thuyết trình, Ứng cử viên Tiến sĩ Leona Wang cũng giới thiệu một số sản phẩm thêu dệt thủ công cổ xưa như họa tiết con rồng trên trang phục của các hoàng tử dùng cho những dịp đặc biệt, hay sự kết hợp mang tính ẩn dụ giữa nhiều loài động vật khác nhau đã tạo ra sự độc đáo về mặt ý nghĩa của chính trang phục. Mặt khác, các nhóm dân tộc thiểu số dùng chính họa tiết, hoa văn trên sản phẩm thêu dệt như một ghi lại câu chuyện của họ. Chiếc váy cưới của người Miêu là một ví dụ điển hình cho việc yếu tổ kể chuyện được thể hiện như thế nào trong sản phẩm truyền thống và văn hóa của họ. Lanjuan, người lãnh đạo nữ của nhóm dân tộc thiểu số đó, đã dùng sợi chỉ màu để ghi lại từng điểm mốc quan trọng trong hành trình văn hóa lịch sử. Sản phẩm thủ công này đã mang lại giá trị truyền thống khi đưa góc nhìn và kỷ niệm từ phía cá nhân vào các đặc điểm khắc họa trong trang phục dân tộc để ghi nhớ từng mảnh ghép quan trọng trong lịch sử. Điều thú vị là tác phẩm sử dụng thêu thiếc – một kỹ thuật của dân tộc thiểu số Miêu: Họ dùng thiếc như sợi chỉ để thêu vào sản phẩm, và mỗi gia đình có một khuôn mẫu chính của riêng họ.

Tiếp đến, diễn giả giới thiệu về công nghệ may mặc là thêu dệt điện tử (e-textiles). Cô định nghĩa đây là công nghệ mà sử dụng cơ thể con người là vật mang trực tiếp hỗ trợ thiết kế sản phẩm. Khái niệm này cũng có nhiều cái tên thay thế ở các lĩnh vực khác nhau như là điện tử may mặc (wearable electronics), quần áo thông minh (smart clothes), thêu dệt điện tử trong các phụ kiện có thể tương tác được (e-textiles in interactive accessories). Ứng dụng gắn điện tử vào vải, sợi rất nhẹ nhàng, và có thể lập trình được, ví dụ như sản phẩm vải có thể lập trình do chính các nhà nghiên cứu tin học phát triển, cũng là sản phẩm vải kỹ thuật số đầu tiên mà có thể xử lý và sản xuất câu chuyện cũng như phân tích được các hoạt động. Leona cũng giới thiệu về sản phẩm vải cảm ứng có tính tương tác vui nhộn. Đây là một sản phẩm dệt bằng sợi dẫn điện (có thể dẫn điện bằng máy in 3D với sequin truyền thống, cùng nhựa dẫn điện và không dẫn điện). Lực chạm hay nhấn vào các nhựa dẫn điện ấy sẽ được đến máy tính để cảm nhận được sự thay đổi trong trạng thái của vật liệu dệt.

Người tham dự buổi đối thoại đã có cơ hội được trực tiếp tương tác với các bản mẫu của họa tiết trang phục dân tộc thiểu số và từ dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện tử tương tác. Bên cạnh đó, các khán giả còn được xem một đoạn phim ngắn để hình dung hơn về cách thức tương tác với sản phẩm vải điện tử có thể tạo ra âm thanh hay sự rung động trong chất liệu.

Sau phần trải nghiệm và trình bày về công trình nghiên cứu, Giáo sư Frances Joseph, Phó Giáo sư Donna Cleveland và Ứng cử viên Tiến sĩ Leona Wang đã giải đáp những thắc mắc của người tham gia về tính ứng dụng của công nghệ này trong tương lai, cũng như hướng dẫn các sinh viên trẻ tham dự đối thoại cách chọn nguồn tham khảo phù hợp cho bài nghiên cứu của mình.

Những phút cuối của đối thoại, các diễn giả có buổi trò chuyện hay trao đổi 1-1 với chính người tham dự về sản phẩm thêu dệt thủ công nói riêng và việc bảo tồn di sản văn hóa qua cách kể chuyện mới, hiện đại phù hợp với đối tượng công chúng hiện nay.

16.11.2022

Bài viết: Tường Minh thực hiện cho VFCD 2022
Ảnh: Đan
Bản dịch tiếng Anh: Nhật Hồng
Vui lòng ghi rõ nguồn VFCD 2020 khi chia sẻ bài viết.
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép.